Nhà ở xã hội: Góc nhìn thẳng
Nhà ở xã hội: Góc nhìn thẳng
Ở đâu không biết chứ Hải Phòng khu nhà ở xã hội thuộc xã An Đồng, huyện An Dương (Pruska Hoàng Huy) có khu nhà có tốc độ lấp đầy dân cư và nhanh chóng sầm uất.
Ai đi xa mấy năm trở về chắc hẳn ngỡ ngàng vì cái đường máng nước chật hẹp với các bãi cỏ chuyên để xe công, xe công trình nằm ngổn ngang trước đây, bây giờ mọc lên các dãy nhà cao tầng vuông vắn, các ô cửa sổ sáng rực. Dân cư tấp nập, tối đến hàng quán, đèn điện sáng trưng, người, qua kẻ lại nhộn nhịp. Ô tô đậu san sát ven các dãy nhà có nhiều dòng xe đắt tiền nằm ngay ngắn dưới ánh đèn đường.
Nhà ở xã hội nếu nói thẳng ra là căn nhà, căn hộ dành cho người ít tiền với mục đích tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp như công nhân khu công nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, sống hoàn toàn phụ thuộc vào lương; hay công chức, viên chức mới vào nghề chưa có tích luỹ, được tiếp cận những căn hộ chất lượng có giá cả phải chăng, góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động, bớt bất bình đẳng xã hội, tạo ra môi trường sống an toàn có khả năng phát triển, đoàn kết, có sự kết nối cho cư dân.
Mục đích tốt đẹp như vậy, nhưng thực tế số người là đối tượng của nhà ở xã hội hướng tới lại sống ở đây rất ít mà phần lớn là người có thu nhập cao. Số chuyên gia, lao động kỹ thuật Trung Quốc, Hàn Quốc tập trung thuê nhà sống ở đây rất đông, nhiều hàng quán ghi toàn tiếng Trung, tiếng Hàn như ở nước ngoài để phục vụ. Trên tầng toàn là người có điều kiện kinh tế tốt sở hữu vài chỗ ở, chủ những căn hộ tầng 1 phần lớn là người giàu có đầu tư mở các cửa hàng tiện ích, dịch vụ, kinh doanh ăn uống kiếm lời. Mặt có lợi là tạo nên không gian sống với đầy đủ tiện ích thuận lợi cho sinh hoạt, nhưng mặt khác giá cả để sở hữu căn hộ ở đây cứ ngày một rời xa người lao động thu nhập thấp như con diều bị đứt dây không biết sẽ bay về đâu.
Thủ tục để mua nhà ở khu vực này về quy định cơ bản là chặt chẽ. Người mua cần phải chứng minh minh chưa sở hữu nhà ở hay sổ đỏ ở nơi khác, chứng minh thu nhập, sau 5 năm mới cấp sổ cho phép chuyển nhượng, nhưng quy định thẩm định chưa nghiêm khắc, chặt chẽ nên việc sang nhượng, mua bán qua lại là không tránh khỏi. Người lao động đơn thuần vốn dĩ không mạnh về quản trị tài chính, lại kém sự năng động tinh nhạy, nên nhiều khi chuyển cơ hội cho người khác để nhận phần ít ỏi về mình, khi đăng ký được suất mua nhưng sau đó lại sang nhượng để kiếm chút chênh lệch, còn bản thân lại loay hoay đi tìm nhà trọ.
Quốc hội đang tiến hành thảo luận về dự án Luật Nhà ở, các số liệu về nhu cầu nhà ở chắc chắn là rất cao nên mới có đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp giai đoạn 2021 -2030. Để sát với thực tiễn, nên chăng đẩy mạnh phân khúc, cho thuê, cho thuê mua để người lao động trong khu công nghiệp có thể rời những dãy nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp đến điểm hẹn để an cư, đảm bảo có nơi nghỉ ngơi tái tạo sức khoẻ, tinh thần để làm việc cống hiến cho xã hội.
Ở Hải Phòng có nhiều lao động phổ thông là người nhập cư đến từ các vùng quê còn nhiều khó khăn. Với mức lương và tình hình kinh tế khó khăn “hậu Covid-19” như hiện nay, việc tích luỹ để có thể mua căn nhà từ 7 trăm triệu tới 1 tỷ đồng là quá sức với họ. Lương tháng trung bình 7,5 triệu, nếu có gắng tăng ca, làm ngày nghỉ, chắt bóp hết mức cộng các loại thưởng cả Tết thì một năm họ cũng chỉ có (7.5*12) +12 triệu thưởng Tết, tổng thu nhập là 102 triệu, chi tiêu ăn uống sinh hoạt đi rồi, thì đến bao giờ họ mới tích cóp đủ để mua nhà?
Vậy thay vì quyền sở hữu hãy dành cho họ có quyền thuê nhà ở xã hội, ở quê họ vẫn có đất, có nhà, chỉ là đi làm ăn xa để tăng thu nhập và cả để tìm vận may, đến thời điểm nào đó họ có thể lựa chọn quay về quê hương chứ nếu có mua trả góp thì cả đời họ phải nai lưng ra làm trả nợ, biến mình thành nô lệ của căn nhà. Xét về dòng chảy kinh tế, đây là điều tiêu cực khi họ phải hạn chế chi tiêu tối đa để trả nợ sẽ không phát sinh nhu cầu gì ngoài các nhu cầu tối thiểu. Nên việc họ cho người có tiền mượn tên, mượn danh nghĩa để mua và đầu cơ cũng chả trách gì được họ, chứ không hẳn là người giàu ép họ nhường để tranh mua.
Còn nếu nhà nước hỗ trợ, chủ đầu tư xây dựng được với chi phí thấp, cơ quan quản lý vận hành khu nhà làm tốt thì cho họ thuê sẽ rất hợp lý, hợp tình.
Luật trước khi làm ra cần phải tính hết nước, sát nước mới đảm bảo được tính nhất quán, tránh để ra rồi mới sửa đổi. Nên chăng hướng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tự xây dựng ký túc xá cho công nhân viên của mình. Khu nhà ở xã hội sẽ ưu tiên đến các gia đình chính sách, liệt sĩ, thương binh, người có công… với các điều khoản hỗ trợ. Kế đến là các gia đình phục vụ trong ngành quân đội, công an, giáo dục. Và tiếp đến là cho thuê với số công nhân lao động nếu có nhu cầu.
Cần chú ý đến cả văn hoá sống nếu như ở khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số với phong tục, tập quán đặc thù. Càng tính kỹ, làm chắc ngay từ đầu thì về sau càng ít đi vấn đề phát sinh để đạt được mục đích hết sức tốt đẹp ban đầu: Có điểm an cư cho người lao động có thu nhập thấp.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị