Màu xanh Trường Sa

Màu xanh Trường Sa

Tôi đã có một hải trình đến Trường Sa với nhiều cung bậc cảm xúc.

Trở về đất liền hơn một tháng rồi mà khi xem lại những thước phim, những bức ảnh về những nơi đã đến, đảo nổi, đảo chìm, hun hút nhà giàn xa mờ… lòng vẫn rưng rưng. Dòng hải lưu cuồn cuộn chảy giữa bốn bề mây và nước. Con tàu Kiểm ngư 490 màu trắng, mang theo hơn 300 thành viên Đoàn công tác số 6, phần phật lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh vươn khơi trong mênh mang biển xanh.

Nắng, nóng. Dù đảo khát mưa nhiều tháng rồi nhưng cây vẫn mọc, vẫn xanh. Cây ở đây cũng gây thương nhớ giống như con người. Viết những dòng này, tôi muốn gửi nỗi niềm nhớ thương của tôi vào câu chuyện về màu xanh hiếm hoi của đảo.

aa.jpg
Sức sống Trường Sa

Đảo có những loài cây đặc trưng tắm trong nắng, gió, bất chấp nóng lửa vẫn xanh đến lạ lùng. Phong ba, bão táp, tra, bàng vuông, phi lao, phượng vỹ, bạch đàn, liễu, mù u… Người chiến sĩ Hải quân trẻ măng giới thiệu với chúng tôi về các loài cây, giọng không giấu được sự tự hào, bởi chỉ những người gắn bó với cây ở nơi này mới thấm thía về sự kiên cường để vững vàng trong sóng gió. Có cây phong ba bị gió bão đánh ngả nghiêng, gẫy cành, trầy vỏ, bật một phần gốc. Thế mà chỉ một thời gian sau bão, từ lớp vỏ còn lại lại bật mầm xanh nở hoa.

Hoa phong ba li ti bé bỏng xếp san sát cạnh nhau, từng nhánh từng nhánh điệu đà, cong cong vượt lên vòm lá xanh mướt mát. Hoa bàng vuông tím hồng, cánh mềm mại ôm ấp từng chùm nhụy mảnh như sợi chỉ. Loài hoa được ví là nữ hoàng của đảo, kiêu sa bung nở về đêm, tô điểm cho đêm trăng thêm huyền diệu và làm dịu đi cái nắng thiêu đốt của ngày. Trái bàng vuông từ lúc còn bé xíu cho đến khi đẫy tay, đủ tháng đủ ngày để hái tặng người đất liền vẫn chỉ chung thủy với màu xanh. Hoa tra xanh nõn, trái cũng màu xanh như màu áo biên phòng, chỉ đến khi chín mới chịu chuyển sang màu tím. Các chiến sĩ và bà con trên đảo gọi đây là quả nho của đảo. Quả tra có vị ngọt nhẹ pha chút ngọt chát, lại vương vấn vị chua, đậm đà hơn khi ăn kèm chút muối. Tiếng là thân gỗ nhưng những cành tra thường đan vào nhau tạo thành vòm, dường như để chống chọi với bão giông.

Trên Quần đảo Trường Sa hầu như đảo nào cũng có dừa. Nam Yết là một trong những đảo trồng dừa đầu tiên, số lượng rất lớn nên còn được gọi là đảo dừa. Cây dừa thích nghi tốt, lớn nhanh, cho bóng mát và cho trái ngọt nên được nhân rộng trồng ở các đảo nổi khác. Đến nay, không chỉ đảo nổi mà cả đảo chìm cũng thấp thoáng bóng dừa.

Mỗi năm, từ đất liền, có hàng nghìn cây dừa được chuyển ra các đảo. Năm 2019, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thí điểm gửi giống dừa xiêm lùn siêu trái ra trồng. Cây thích nghi tốt, phát triển chỉ sau 3 năm đã cho ra trái sai trĩu trịt trên đảo Sơn Ca. Từ đó đến nay, mỗi năm, Câu lạc bộ đều gửi 1.000 cây giống ra đảo.

Nếu như ở đất liền, sự có mặt của cây là rất bình thường thì đối với Trường Sa, cây là món quà thiên nhiên vô giá. Ngoài việc tạo thảm thực vật xanh phủ lên nền san hô trắng chói chang dưới nắng thì chúng còn tạo bóng mát, che chắn gió, tạo nên khung cảnh quê nhà thân thương ở những đảo tiền tiêu xa xôi.

Anh em trên đảo còn chuyền nhau câu chuyện về những chú cò. Không biết bằng cách nào mà những con cò có thể bay ra được tận đây, khi phải vượt qua hàng trăm hải lý mà chẳng có một điểm đỗ nào. Ở nơi lúc nào cũng thèm hơi ấm đất liền, hình ảnh những chú cò trắng đậu trên ngọn phong ba, bão táp xanh mướt mát khiến cho bất cứ ai chứng kiến đều có cảm giác như đang ở trong khung cảnh quê nhà vậy.

Thật thiếu sót nếu không kể đến màu xanh của rau trên đảo. Rau ngót, rau cải, rau muống, rau lang… rau trồng trên bồn dọc hiên nhà dân, trong vườn chiến sĩ, rau được che nắng dội, gió táp… bất chấp mọi hoàn cảnh, rau cứ xanh theo màu xanh của đảo. Nhìn những ngọn rau ở đảo mà thương quay quắt trong lòng bởi ở đây rau cũng hết mình để xanh nhất có thể như không muốn phụ công chăm chút của những người lính đảo tuổi đôi mươi.

Họ đã chia cho rau những phần nước ngọt khi đợi mưa! Họ đã mang rau cất vào trong phòng mỗi lúc sóng lớn, bão về! Họ đã chăm chút từng vòm cây xanh để đất liền thêm gần lại! Người và cây cứ thế kiên gan với đất trời. Màu xanh ấy khiến tôi có cảm giác như không chỉ là màu của cây, mà đó còn là màu của tinh thần quả cảm, của sự lạc quan, của nỗi nhớ thương… được những người lính Hải quân gói ghém lại, ngày ngày bồi đắp cho cây. Nghĩ về màu xanh bền bỉ giữa biển cả, trời xanh, cát bỏng, trong tôi chợt bừng lên thanh âm “Sức sống Trường Sa”. Đó cũng chính là tên tôi đặt cho bức ảnh cây phong ba nghiêng nghiêng, tróc vỏ đang bật lên mầm sống bất diệt.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích