28.000 ha rừng bị thiêu rụi do cháy rừng tại Indonesia
28.000 ha rừng bị thiêu rụi do cháy rừng tại Indonesia
Từ tháng 1 đến giữa tháng 6 năm nay, các vụ cháy rừng và đất than bùn ở Indonesia đã hủy hoại 28.019 ha rừng và giải phóng 2,84 triệu tấn khí thải CO2 ra ngoài môi trường
Trong một tuyên bố mới đây, Giám đốc Cơ quan kiểm soát cháy rừng và đất than bùn thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, ông Thomas Nifinluri đã kêu gọi thúc đẩy hợp tác liên ngành nhằm duy trì sự an toàn của các khu vực dễ xảy ra hỏa hoạn.
Theo số liệu từ hệ thống Sipongi+ thuộc bộ trên, 5 tỉnh có diện tích rừng và đất than bùn bị tàn phá nhiều nhất bao gồm các tỉnh Đông Nusa Tenggara với 5.211 ha, Tây Kalimantan (4.172 ha), Lampung (2.272 ha), Đông Nam Sulawesi (1.961 ha), và Maluku (1.953 ha).
Chính phủ Indonesia đã triển khai công nghệ điều chỉnh thời tiết ở các tỉnh Riau, Jambi, Nam Sumatra, Tây Kalimantan, và Đông Nusa Tenggara. Nỗ lực này sẽ tiếp tục được tiến hành tại các khu vực trên đảo Kalimantan thuộc Indonesia nhằm ngăn chặn các vụ cháy rừng và đất than bùn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 7-10.
Cụ thể, theo ông Thomas, các hoạt động điều chỉnh thời tiết ở các tỉnh Tây Kalimantan và Trung Kalimantan sẽ được thực hiện lần lượt vào ngày 23 và 25/6 bằng máy bay Cassa 212. Các hoạt động tương tự cũng sẽ được tiến hành ở các các khu vực dễ bị tổn thương thuộc các tỉnh Nam Kalimantan, Riau và Đông Kalimantan.
Trong khi đó, chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các công ty tư nhân xử lý các vụ cháy rừng và đất than bùn trong trường hợp xảy ra các điểm nóng ở khu vực lân cận. Ông Thomas bày tỏ hy vọng các bên liên quan sẽ tiếp tục phối hợp tốt, qua đó giúp kiểm soát hiệu quả các vụ cháy rừng.
Trước đó, ngày 14/6, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Siti Nurbaya Bakar cho biết Chính phủ Indonesia đã huy động 15 máy bay để tiến hành các hoạt động điều chỉnh thời tiết nhằm ngăn chặn các vụ cháy rừng trong bối cảnh tình trạng cảnh báo khẩn cấp do thiên tai đã được ban bố tại 7/34 tỉnh thành gồm Riau, Nam Sumatra, Jambi, Tây Kalimantan, Đông Nusa Tenggara, Trung Kalimantan, và Nam Kalimantan.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị