Phải tạo ra sản phẩm KHCN đáp ứng được nhu cầu của thị trường
Ngày 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp nghe báo cáo về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển thị trường khoa học công nghệ (KHCN) đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại, hội nhập là vấn đề lớn, mới nên cần nghiên cứu kỹ, có cách tiếp cận mới; “khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản nhưng không đúng địa chỉ, không trúng nguyên nhân, khó thực hiện”.
“Thị trường KHCN phát triển đồng bộ với thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, tài chính và các thị trường khác, theo thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường đặc biệt với giá trị sáng tạo không lượng hóa hay đo đếm được. Vì vậy, cần tập trung vào những khâu, vấn đề đột phá, khắc phục tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển thị trường này”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Để phát triển thị trường KHCN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan trọng nhất phải tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, góp phần thúc đẩy nhu cầu đổi mới, làm chủ công nghệ, tăng cường năng lực tiếp cận của doanh nghiệp.
Theo đó, nguồn lực Nhà nước cần có sự đầu tư đầy đủ và bài bản về hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực nghiên cứu, tăng cường hợp tác quốc tế với những chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, giải quyết các bài toán mang tính chất đột phá về công nghệ lõi, nhiên liệu mới, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, dược sinh hóa, lượng tử… Chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập phải đủ hấp dẫn để thu hút và phát triển các nhà khoa học đầu ngành, có uy tín trong nước, quốc tế; làm tốt công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Cơ cấu tổ chức, hoạt động của các viện, trung tâm nghiên cứu KHCN cần đổi mới theo hướng đẩy mạnh tự chủ, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Chính sách tài chính dành cho các đơn vị này cần được thay đổi từ phương thức chi thường xuyên, sang đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu KHCN có cạnh tranh.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới công tác quản lý ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết, ngoài phần chi sự nghiệp thường xuyên cho các đơn vị nghiên cứu KHCN trong các lĩnh vực cơ bản, phần còn lại cần được quản lý theo mô hình quỹ đầu tư phát triển. Quỹ này hoạt động với cơ chế linh hoạt, dựa vào mục tiêu thay vì quy trình, có tính đến yếu tố rủi ro, thay thế cho cơ chế cấp phát, thanh quyết toán hàng năm.
Ảnh minh hoạ
Đối với hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp là lực lượng chính, có cơ chế hỗ trợ, kích thích của Nhà nước để tăng nguồn cung thị trường KHCN. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn dành cho đổi mới KHCN cần linh hoạt. Trường hợp không sử dụng hết theo quy định sẽ đóng góp vào quỹ đầu tư phát triển KHCN quốc gia, để doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu đồng hành cùng nhau. Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể như định giá sản phẩm KHCN từ các đề tài nghiên cứu có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; phát triển sàn giao dịch KHCN…
Trước đó, khi điểm lại những thành tựu trong thúc đẩy phát triển thị trường KHCN thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN được hình thành và từng bước kiện toàn từ trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành.
Thời gian qua, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN đã được tập trung triển khai. Đến nay, các chính sách về phát triển thị trường KH&CN được quy định chủ yếu tại 4 Luật, 6 Nghị định và 12 Thông tư. Về cơ bản đã tạo môi trường pháp lý cho các hoạt động giao dịch, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH), phát triển công nghệ (PTCN) và khởi nghiệp sáng tạo.
Cũng theo Bộ trưởng, cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ. Theo thống kê từ các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng nguồn cung công nghệ được thu thập và phổ biến hiện nay khoảng 77.000 bản ghi.
Nguồn cầu công nghệ của thị trường KH&CN chủ yếu đến từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhu cầu và cách thức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hoá KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam có thể được minh hoạ qua hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trên cơ sở phân tích số liệu điều tra Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2014-2016, cho thấy: 61,3% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó: 32,1% đổi mới sản phẩm; 39,9% đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị; 37,7% đổi mới tổ chức và quản lý và 28,6% đổi mới tiếp thị; 31% doanh nghiệp tiến hành cùng lúc từ 3-4 loại đổi mới sáng tạo. Nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng nhanh trong thời gian qua.
Về phương thức đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị: Đại đa số doanh nghiệp (79,1%) lựa chọn phương thức “đầu tư vào công nghệ mới gắn liền với hàng hoá, máy móc, thiết bị” và/hoặc “nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” là phương thức chính để đổi mới quy trình công nghệ; 7,3% thông qua ký hợp đồng lao động mới với người có kỹ năng và kinh nghiệm; 7,5% thông qua sử dụng công nghệ, thiết bị do các công ty ngoài công ty mẹ cung cấp; 5,2% thông qua sử dụng công nghệ, thiết bị do các công ty khác trong công ty mẹ cung cấp…
Mặc dù việc phát triển thị trường KHCN đã đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, thị trường KHCN nước ta còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc cần tháo gỡ. Hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường KHCN đã được hình thành, tuy nhiên, còn thiếu và chưa đồng bộ với các pháp luật liên quan.
Thị trường KHCN Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ các quốc gia đang phát triển, trình độ công nghệ ở mức trung bình thấp. Nguồn cung công nghệ trong nước chiếm tỷ trọng thấp, nhiều kết quả nghiên cứu của viện, trường có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được. Phần lớn kết quả nghiên cứu dừng lại ở quy mô nhỏ hoặc trong phòng thí nghiệm, chưa sẵn sàng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng cao nhưng khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng. Năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp còn thấp; nhận thức về sự cần thiết phải liên tục đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế… “Nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới là rất lớn, trong đó, hoàn thiện thị trường KH&CN là giải pháp trung tâm, có tính căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bảo Lâm