Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/6/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/6/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/6/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/6/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Xử lý mùi khó chịu từ bãi rác tồn tại 25 năm của Hải Phòng
Vừa qua, người dân các phường Tràng Cát, Nam Hải (quận Hải An, Hải Phòng) phản ánh tình trạng bãi rác Tràng Cát bốc mùi hôi thối, nhất là khi thời tiết thay đổi, ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của nhiều gia đình.
Anh P.Đ.C (38 tuổi, tổ dân phố Tân Vũ, Tràng Cát) cho biết: “Những ngày thời tiết thay đổi, mưa gió, mùi hôi thối từ “núi” rác Tràng Cát lại tràn vào rất khó chịu. Chúng tôi mong muốn thành phố có phương án xử lý rác hoặc dừng hoạt động bãi rác này để bảo đảm sức khoẻ nhân dân”.
Được biết, kiến nghị của anh C cũng như nhiều người dân 3 phường Tràng Cát, Nam Hải, Đông Hải 2 (quận Hải An) đã được thành phố tiếp nhận. Ngày 19.4.2023, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND quận Hải An và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát.
Kết quả cho thấy, khu xử lý Tràng Cát hoạt động từ năm 1998, hiện nay đang thực hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Cùng với sự phát triển của thành phố, lượng rác thải sinh hoạt thành phố phát sinh cần xử lý ngày càng nhiều; đồng thời rác thải sinh hoạt mới được phân loại tại nguồn một phần. Vào những ngày thời tiết thay đổi như trời mưa xuống, nắng lên, nồm ẩm, rác phân hủy gây mùi ảnh hưởng lên khu vực các phường Tràng Cát, Nam Hải và Đông Hải 2.
Để giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng về mùi cũng như các nguy cơ ô nhiễm môi trường nói chung, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đã và đang thực hiện nghiêm quy trình vận hành giám sát môi trường theo hồ sơ môi trường được phê duyệt. Các chỉ số môi trường đều nằm trong quy chuẩn cho phép; sử dụng các phương tiện vận chuyển rác chuyên dụng, không rò rỉ nước rác ra môi trường.
Ngoài ra, để bảo đảm khả năng tiếp nhận rác thải của Khu xử lý Tràng Cát, UBND thành phố đang triển khai thủ tục đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Khu xử lý Đình Vũ, công suất 1.000 tấn/ngày; dự kiến tháng 12.2025 sẽ hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành.
Theo kế hoạch, khi Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Khu xử lý Đình Vũ đi vào hoạt động, UBND thành phố sẽ chỉ đạo dừng tiếp nhận và chôn lấp rác tại khu xử lý Tràng Cát. Đồng thời, trong thời gian tới, Khu xử lý chất thải rắn Gia Minh, huyện Thủy Nguyên đi vào vận hành chính thức sẽ tiếp nhận một phần rác thải để giảm tải lượng rác thải về khu xử lý Tràng Cát.
Bà Rịa – Vũng Tàu ra mắt mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” tại chợ Tam Phước
Tại buổi ra mắt mô hình, Đoàn cơ sở xã Tam Phước đã tuyên truyền về tác hại của túi nilon, đồ nhựa dùng một lần đối với môi trường; khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thay thế như: túi giấy, túi vải, túi thân thiện môi trường, túi đựng rác hữu cơ tự phân hủy; sử dụng giỏ nhựa đi chợ thay cho túi nilon dùng 1 lần; hạn chế lạm dụng túi nilon khi không cần thiết; xây dựng ý thức bảo vệ môi trường xanh.
Cũng tại buổi ra mắt mô hình, tiểu thương chợ Tam Phước và người dân trên địa bàn xã đã tham gia chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy quà”. Theo đó, người dân mang vỏ lon, chai nhựa, giấy carton… đến đổi lấy giỏ nhựa đi chợ, túi vải thân thiện với môi trường và các gia vị cần thiết trong bếp ăn gia đình như: dầu ăn, đường, hạt nêm…
Kết quả, trong buổi sáng, Đoàn cơ sở xã Tam Phước đã thu được 550kg vỏ lon, chai nhựa, giấy carton các loại.
Nông dân Bình Phước tích cực với công tác bảo vệ môi trường
Vừa qua, tại xã Đốc Binh Kiều, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Hội Nông dân huyện Tháp Mười và địa phương tổ chức phát động thu gom, vận chuyển bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Sau lễ phát động, hội viên nông dân và lực lượng dân quân địa phương ra quân thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên tuyến bờ Nam, bờ Bắc Kênh Ba, bờ Đông Kênh Giữa và bờ Tây Kênh Bảy Thước với chiều dài khoảng 12km. Qua đó, 500kg rác thải được thu gom vận chuyển, tập kết về kho lưu chứa và xử lý theo quy định. Sau thu gom, người dân được nhận 1 phần quà là nhu yếu phẩm gồm đường, nước tương…từ nguồn Hiệp hội Croplife Việt Nam hỗ trợ.
TP.HCM đề xuất chi 126 tỉ đồng để bảo vệ kênh rạch
Sở TN&MT TP.HCM vừa có báo cáo đề xuất HĐND, UBND TP.HCM và Sở KH&ĐT chủ trương đầu tư dự án cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng trên địa bàn TP.
Dự án với mục tiêu giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn. Đồng thời chủ động phòng chống, ứng phó và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân ven sông, kênh, rạch, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy.
Ngoài ra, việc cắm mốc cũng nhằm bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống các trường hợp xây dựng, san lấp chiếm đất ven sông, suối, kênh, rạch; làm căn cứ kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lắp lấn chiếm, những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở, làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng bảo vệ bờ sông.
Dự án với tổng vốn đầu khoảng 126 tỉ đồng từ ngân sách TP.HCM và sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023-2026. Dự án sẽ thực hiện cắm mốc chỉ giới tổng số 59 tuyến với tổng chiều dài tuyến khoảng 553 km, tổng chiều dài mép bờ cao khoảng 926 km.
Trong đó, sông Sài Gòn là tuyến dài nhất được cắm mốc trên chiều dài gần 72 km, từ khu vực cầu Bình Phước (TP Thủ Đức) đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh.
Một số tuyến sông khác cũng được cắm mốc như: Soài Rạp dài gần 60 km; sông Lòng Tàu dài 32 km và hơn 7 km sông Đồng Nai. Ngoài ra, hàng loạt kênh, rạch khác cũng được thành phố cắm mốc hành lang bảo vệ như rạch Tôm, kênh Cây Khô, rạch Bà Lớn…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông, kênh rạch… nhằm làm cơ sở kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lấp lấn chiếm.
Việc cắm mốc cũng giúp tạo quỹ đất để xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh, rạch, xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng, công viên, cây xanh nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị thành phố.
Ngoài ra, mốc bảo vệ hành lang các tuyến sông, rạch tạo thuận lợi cho chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định toạ độ, cao độ và lộ giới khi xây dựng và công tác quản lý nhà nước của UBND các cấp. Đồng thời, công khai quy hoạch đô thị phục vụ công tác quản lý xây dựng và đầu tư phát triển đô thị, phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của TPHCM.
Theo báo cáo của Trung tâm quản lý đường thủy (thuộc Sở GTVT TPHCM), hiện có 107 trường hợp công trình xây dựng, san lấp lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch ở Thành phố Thủ Đức và 8 quận, huyện.
Trong đó, địa phương có công trình vi phạm nhiều nhất là huyện Bình Chánh (30 trường hợp). Tiếp theo lần lượt là huyện Nhà Bè (25 trường hợp); Thành phố Thủ Đức (18 trường hợp); Quận 12 (8 trường hợp); Quận 7 (7 trường hợp); huyện Củ Chi (7 trường hợp); huyện Cần Giờ (5 trường hợp); huyện Hóc Môn (4 trường hợp) và quận Bình Thạnh (3 trường hợp).
40 học sinh tham gia trải nghiệm trồng rừng ngập mặn
Sáng 19- 6, khu du lịch Đảo Hoa Lan thuộc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Khánh Hòa và nhóm STEAM Nha Trang tổ chức chương trình trải nghiệm trồng rừng ngập mặn với chủ đề “Em yêu màu xanh quê mình”.
Theo đó, 40 học sinh đã tham gia trồng 200 cây đước tại vùng ngập mặn quanh khu du lịch Đảo Hoa Lan nhằm phục hồi, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển và đa dạng sinh học, hệ sinh thái ven biển.
Trong khuôn khổ chương trình trải nghiệm, các học sinh được phân biệt nhiều loại cây sống tại rừng ngập mặn, tuyên truyền về ý nghĩa tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, sự nguy hại của việc tàn phá rừng ngập mặn đối với môi trường…
Hoạt động nhằm góp phần bảo vệ môi trường, giáo dục cho học sinh hiểu rõ vai trò của rừng ngập mặn, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tạo môi trường sống cho nhiều loài động vật biển. Từ đó, lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức về trồng rừng ngập mặn đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ấn Độ: Nắng nóng khắc nghiệt khiến gần 100 người tử vong
Ngày 18/6, giới chức Ấn Độ cập nhật thông tin mới nhất thiệt hại về người do nắng nóng gây ra, theo đó trong vài ngày qua đã ghi nhận ít nhất 96 người tử vong tại hai bang đông dân nhất nước là Uttar Pradesh (54 người) và Bihar (42 người).
Theo giới chức Ấn Độ, phần lớn những người tử vong là người trên 60 tuổi và có bệnh lý nền. Nắng nóng nghiêm trọng có thể là nguyên nhân khiến bệnh trở nặng hơn. Huyện Ballia, cách Lucknow – thủ phủ của bang Uttar Pradesh – 300 km về phía Đông Nam, là nơi ghi nhận tất cả 54 ca tử vong do nắng nóng của bang. Trong 3 ngày qua, các bệnh viện tại đây đã tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân nhập viện do các bệnh liên quan đến nắng nóng.
Do tình hình nghiêm trọng, cơ quan chức năng địa phương đã yêu cầu các nhân viên y tế không nghỉ phép và cung cấp thêm giường bệnh trong khu cấp cứu để đáp ứng lượng bệnh nhân ngày càng đông. Phần lớn các ca nhập viện là người trên 60 tuổi, có các triệu chứng như sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở và gặp các vấn đề về tim mạch.
Hiện huyện Ballia cùng với khu vực miền Trung và Đông Uttar Pradesh đang trải qua những ngày nắng nóng khắc nghiệt. Trong ngày 18/6, nhiệt độ cao nhất đo được tại đây lên tới 43 độ C, cao hơn 5 độ C so với bình thường. Trong khi đó, độ ẩm là 25%, càng khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt.
Theo ông Atul Kumar Singhm – nhà khoa học thuộc Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nhiệt độ ở toàn bang Uttar Pradesh đang cao hơn mức bình thường. IMD cảnh báo tình trạng nắng nóng tại bang này sẽ còn kéo dài đến ngày 19/6.
Ở Bihar, miền Đông Ấn Độ, nắng nóng như thiêu đốt đã bao trùm khắp các địa phương của bang, khiến 42 người tử vong trong hai ngày qua. Trong số các trường hợp tử vong, có 35 trường hợp ghi nhận tại hai bệnh viện ở Patna – thủ phủ của bang. Tại đây cũng đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân bị tiêu chảy và nôn mửa. Ngày 17/6, Patna ghi nhận mức nhiệt 44,7 độ C. Chính quyền bang Bihar đã khuyến cáo người trên 60 tuổi và có bệnh nền không nên ra ngoài đường vào ban ngày.
Tháng 4, 5 và 6 là 3 tháng nóng nhất vào mùa Hè ở Ấn Độ. Nhưng trong 10 năm qua, thời tiết nắng nóng càng trở nên khắc nghiệt hơn. Trong các đợt nắng nóng, quốc gia Nam Á này thường bị thiếu nước trầm trọng, với hàng chục triệu người trong số hơn 1,4 tỷ người thiếu nước sinh hoạt.
Hồi tháng 4, nắng nóng đã khiến 13 người tử vong sau khi tham dự một sự kiện ở thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ và khiến một số bang phải đóng cửa tất cả các trường học trong một tuần.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị