Đề xuất đầu tư cao tốc Dầu Giây – Tân Phú với số vốn 8.776 tỉ đồng

Đề xuất đầu tư cao tốc Dầu Giây – Tân Phú với số vốn 8.776 tỉ đồng

BQL dự án Thăng Long vừa trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công – tư (PPP).

Theo đó, dự án có tổng chiều dài 60,24km. Điểm đầu trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; Điểm cuối vượt qua vị trí giao cắt với quốc lộ 20 (tại khoảng Km69+400 – QL20) khoảng 200m, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe hạn chế (mỗi làn rộng 3,5m), bề rộng nền đường 17m, có dải phân cách giữa, khoảng 4-5 km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp, tốc độ chạy 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng nền đường và có thêm làn dừng khẩn cấp, nâng tốc độ chạy xe lên 100km/h.

Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú được xác định theo phê duyệt của Thủ tướng tại quyết định 1045/2022. Trong đó, đoạn từ Km 1+000 – Km5+000, tuyến đi từ nông trường cao su Dầu Giây sang nông trường Bình Lộc vượt dải đồi có chênh cao độ từ 170 – 205m. Đoạn từ Km5+000 – Km23+000 tuyến đi qua khu vực trồng cao su và trồng điều, mía địa hình bằng phẳng thuận lợi cho thiết kế đường cao tốc. Đoạn từ Km23+000 – Km40+00 tuyến đi tránh rừng phòng hộ Tân Phú, đi qua một phần đất rừng sản xuất và một số dải núi có cao độ từ 140-150m.

Đối với đoạn km40+000 – Km55+000 tuyến đi qua lưu vực sông La Ngà, khu vực này địa hình bằng phẳng, tuy nhiên có nhiều kênh rạch và các bàu nước. Cây trồng khu vực này chủ yếu là lúa nước. Tuyến được thiết kế đảm bảo tránh tối đa các sông suối ao hồ.

Với đoạn cuối tuyến (Km55+000), tư vấn đề xuất đi qua khu vực trồng ngô, điều và khu dân cư xã Phú Lâm và Phú Trung. Vì vậy, tuyến được thiết kế tránh tối đa dân cư đảm bảo khối lượng giải phóng mặt bằng các hộ dân là ít nhất.

Dự án áp dụng hình thức thu phí kín nên trạm thu phí được đặt tại các vị trí nút giao liên thông, vị trí vào, ra cao tốc. Trạm dừng nghỉ dự kiến bố trí tại km40, đảm bảo khoảng cách giữa các trạm dịch vụ từ 50km – 60km theo quy định.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.776 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 5.000 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng trên 1.294 tỉ đồng, còn lại là chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí lãi vay và các chi phí khác. Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 27 năm.

Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt có tổng chiều dài 208km với quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam. Hiện nay, đoạn từ đèo Prenn đến thành phố Đà Lạt khoảng 19km đã hoàn thành.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã giao cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo các đoạn: Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương để đầu tư trong trong giai đoạn 2021-2025.

Dự án hoàn thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên kết các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng khi quốc lộ 20 đã quá tải. Việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú hiện nay là cần thiết và cấp bách.

Thời gian khai thác (thu phí) của nhà đầu tư là 27 năm (sẽ được xác định cụ thể trong bước đàm phán, ký kết hợp đồng dự án). Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích