Khánh thành dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết
(Xây dựng) – Chiều 18/6, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp tỉnh Bình Thuận tổ chức khánh thành dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Các đại biểu cắt băng khánh thành dự án cao tốc. |
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam Phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần dài 654 km. Trong đó có 08 dự án thành phần dài 477km đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 03 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư dài 177 km. Hiện nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 6 dự án thành phần dài 425km, trong đó 2 dự án khánh thành ngày hôm nay là: dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết chiều dài 101 km khởi công năm 2020, được đầu tư công; Dự án Nha Trang – Cam Lâm chiều dài 49 km khởi công năm 2021.
Một đoạn cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết. |
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020) có chiều dài 100,8 km điểm đầu từ xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong) và điểm cuối ở xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam). Tuyến có mặt cắt ngang 4 làn xe lưu thông 2 chiều, trên tuyến bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5 km/điểm trên cùng một chiều xe chạy. Kích thước mỗi vị trí có chiều dài 270m (gồm 170m đoạn dừng xe, phạm vi ra vào mỗi phía 50m), bề rộng mặt 2,5m, bề rộng lề 0,75m.
Dự án có tổng mức đầu tư 10.853 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, được khởi công vào cuối tháng 9/2020. Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án 7. Liên danh nhà thầu VINACONEX – VNCN E&C là đơn vị đảm nhiệm thi công gói thầu XL04: Thi công xây dựng đoạn Km185+400 – Km235+000, nút giao Ma Lâm và nút giao Phan Thiết với giá trị hợp đồng xây lắp 3,225 tỷ đồng
Trước đó ngày 19/5, cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dù chưa làm lễ khánh thành, đó là kết quả 31 tháng làm việc không ngừng nghỉ của nhà thầu VINACONEX cùng các đơn vị thi công.
Việc đưa 2 tuyến cao tốc đường bộ Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng với người dân Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung, tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho các địa phương có cao tốc đi qua. Hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, rút ngắn khoảng cách, giảm thiểu thời gian đi lại và chi phí lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước Tạo động lực quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội…
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, với tổng chiều dài 654 km, bao gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, Dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (chiều dài 100,8km, tổng mức đầu tư 10.800 tỷ đồng), phía bắc nối với tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, phía Nam đấu nối với cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, có vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh Nam Trung Bộ với thành phố Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Là một trong những nhà thầu thực hiện dự án, Tổng Công ty VINACONEX luôn nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như niềm tự hào, vinh dự khi được lựa chọn tham gia thực hiện dự án trọng điểm quốc gia. Do vậy ngay từ ngày đầu khởi công dự án, tập thể cán bộ công nhân viên của VINACONEX và các nhà thầu đã luôn nỗ lực cố gắng để triển khai thực hiện dự án đảm bảo đáp ứng kế hoạch tiến độ đề ra, xác định việc hoàn thành dự án là danh dự, uy tín và trách nhiệm chính trị của doanh nghiệp trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi nêu trên, quá trình triển khai thực hiện dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng thi công lớn trong điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, khối lượng phá đá phải thi công lên tới hàng triệu mét khối, đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn tới việc phải dừng thi công hoặc thi công gián đoạn, điều kiện thời tiết bất lợi do mưa nhiều bất thường, biến động đột biến của giá nguyên – nhiên vật liệu, đặc biệt việc vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằn và thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường do vướng các thủ tục hành chính trong việc cấp phép mới và cấp lại giấy phép khai thác mỏ (đến tận đầu tháng 4/2023 mới được giải quyết) đã ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch và tiến độ triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ của các bộ ban ngành, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận; với trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm đưa dự án về đích đúng hạn”, VINACONEX cùng các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết từng tuần, tháng, quý, dồn mọi nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết trong những lúc thuận lợi để thi công bù đắp tiến độ bị chậm do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan; áp dụng các công nghệ và giải pháp thi công tiên tiến nhất, huy động hàng nghìn chủng loại máy móc, thiết bị hiện đại nhất cùng hàng nghìn cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đảm bảo yêu cầu thi công “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm, rà soát và thực hiện nghiêm chỉnh các ý kiến của Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát, VINACONEX và các nhà thầu vừa phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người lao động, vừa duy trì tổ chức thi công liên tục, trong đó nhiều đơn vị thi công, lực lượng chỉ huy, cán bộ kỹ thuật và công nhân lao động ở lại trên công trường liên tục xuyên qua 2 dịp Tết nguyên đán cổ truyền Nhâm Dần 2021 và Quý Mão 2022. Đặc biệt, trong đợt thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây vào cuối năm 2022”, VINACONEX và các nhà thầu đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các mục tiêu thi đua đã cam kết. Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần đưa Dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng thi công, thẩm mỹ công trình và an toàn lao động tuyệt đối. Thông qua dự án này, VINACONEX và các nhà thầu tự hào và vinh dự khi được đóng góp một phần nhỏ bé trong việc hoàn thiện mạng lưới đường bộ quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự thống nhất, kết nối, chia sẻ, hội tụ, lan toả và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cấp quốc gia, hình thành thế và lực mới thúc đẩy các địa phương cất cánh và đưa đất nước sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nguồn: Báo xây dựng