‘Gạo ông Cua’ bị làm giả, người mua cẩn trọng ‘tiền mất tật mang’

Trước tình trạng ‘Gạo ông Cua’ của ‘cha đẻ’ gạo ST25 đang bị nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội làm giả nhằm mục đích trục lợi, đại diện doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cho biết, công ty đã báo cơ quan Quản lý Thị trường Hà Nội vào cuộc để xử lý nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể. Công ty mong cơ quan chức năng quan tâm để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Trước đó, vào đầu tháng 8, doanh nghiệp này đã cho ra mắt thị trường gạo ST25 (loại túi 5 kg), có in hình của ông Cua và tem chống hàng giả. 

 Gạo ST25 mới có in hình ông Cua. Ảnh: Vnexpress

Tuy nhiên, sau khi có mặt trên thị trường chưa lâu, hôm 9/9, công ty phát hiện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã xuất hiện sản phẩm nhái gạo có in hình “Gạo ông Cua”. Đáng chú ý, tại Hà Nội khá nhiều cơ sở bán gạo không phải do công ty sản xuất mà là hàng nhái.

Đại diện doanh nghiệp này giải thích, trên bao bì sản phẩm “Gạo ông Cua” chính hãng, ngoài tem chống hàng giả còn có mã QR code được scan dễ dàng qua camera của điện thoại có kết nối internet hoặc có thể scan bằng App Zalo và App iCheck được đảm bảo bằng mã số độc nhất cho từng sản phẩm.

Người này khuyến cáo, để tránh mua phải hàng nhái, người mua hàng có thể check mã QR code. Nếu scan thành công thì toàn bộ thông tin sản phẩm sẽ hiện ra. Ngược lại, nếu không thể hiện được thông tin thì đó là hàng giả. Ngoài làm tem giả, hình giả, các đơn vị làm hàng nhái còn tạo cả website giả mạo, người tiêu dùng tốt nhất nên kiểm tra nguồn gốc hàng hoá qua mã QR code.

Tại thị trường Mỹ, hiện đang có 4 hồ sơ của 3 doanh nghiệp khác cũng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này. Không riêng Mỹ, ở Australia gạo ST25 cũng đang bị một doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Hiện doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đang tích cực hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu cho gạo ST25. 

Trong 3 năm qua, trong nhóm gạo Việt thơm ngon nổi tiếng, nhất là sau sự kiện gạo ST25 dự thi World’s Best Rice 2019 đoạt giải ngon nhất thế giới đã tạo tiếng vang, sức hút mạnh trên thị trường trong và ngoài nước, nạn làm giả nhãn hiệu gạo hàng hoá cũng xảy ra. Tại điểm khởi nguồn trại nghiên cứu và sản xuất giống lúa Hồ Quang, lúa giống sản xuất bán theo nhu cầu, địa chỉ một số doanh nghiệp, HTX nông nghiệp các địa phương đặt hàng.

Đến đầu năm 2020, nguồn cung lúa giống số lượng chưa nhiều nhưng ngoài thị trường đã có lúa giống giả rao bán cho nông dân. Mặc dù các doanh nghiệp trong ngành sản xuất kinh doanh giống phản ánh liên tục đến cơ quan chức năng nhưng việc chống hàng gian, hàng giả cho thấy cần có biện pháp quyết liệt, hữu hiệu hơn. Để chống hàng giả, doanh nghiệp khuyến cáo nông dân và người tiêu dùng nên tìm các đại lý bán hàng uy tín trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp khi mua lúa giống hay gạo đóng túi có nhãn hàng nhận diện trên bao bì được công bố.

Vừa qua, khi các tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong mấy tuần đầu các tỉnh vùng ĐBSCL bố trí nhiều điểm chốt kiểm soát chặt chẽ phương tiên giao thông vận tải việc vận chuyển lúa giống tương đối khó khăn. Ngoại trừ đường quốc lộ được phân “luồng xanh” lưu thông hàng hóa nông sản, những nẻo đường quê hay tỉnh lộ xe chở lúa giống, gạo không thể đưa đến nông dân và các đại lý bán hàng. Các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho biết có khi tài xế buộc phải quay xe chở hàng về.

Hiện ở ĐBSCL thị trường gạo bình ổn giá. Gạo chất lượng trung bình có giá bán lẻ thấp nhất 13.500-14.000 đ/kg. Trong phân khúc gạo thơm chất lượng cao, gạo thơm ST25 luôn đứng ở mức cao. Tại TP. Cần Thơ “Gạo ông Cua ST25” có tem chống hàng giả, giá bán từ 160.000 – 170.000 đ/túi (5kg). Theo một số cửa hàng bán lẻ, sức mua giảm 50% do vận chuyển khó khăn, nguồn cung từ Sóc Trăng còn gián đoạn, nhất là hàng vận chuyển về các tỉnh, thành xa.

Diệu Hương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích