TP.HCM có thể thu hơn 30.000 tỷ từ khai thác quỹ đất dọc đường vành đai 3
TP.HCM có thể thu hơn 30.000 tỷ từ khai thác quỹ đất dọc đường vành đai 3
TP.HCM đang lên phương án đấu giá quỹ đất công, đất nông nghiệp dọc Vành đai 3 với gần 2.500 ha để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế – xã hội.
Chỉ sau 7 tháng từ khi dự án đường vành đai 3 TP.HCM được Quốc hội bấm nút, TP.HCM đã “bứt tốc” bàn giao 83% mặt bằng cho chủ đầu tư. Công trình sẵn sàng khởi công vào ngày 18/6.
UBND TP.HCM vừa thành lập Tổ công tác rà soát quy hoạch đô thị phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hai bên tuyến Vành đai 3 TPHCM. Tổ công tác này do Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường làm tổ trưởng cùng 2 tổ phó và 11 thành viên là lãnh đạo các sở ngành, địa phương liên quan.
Tổ công tác được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu giúp UBND TP.HCM triển khai thực hiện rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch. Tham mưu công tác thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, đấu thầu để phục vụ kế hoạch khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3 cập nhật vào quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040.
Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, đấu thầu dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận; đề xuất với UBND TP các dự án ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để khai thác hiệu quả quỹ đất. Nghiên cứu thí điểm mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông) theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận để tạo quỹ đất đấu giá chọn nhà đầu tư.
Song song với các nhiệm vụ trên, tổ công tác được giao rà soát quỹ đất công dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3 hoặc tiệm cận; rà soát quy hoạch đất nông nghiệp tại khu ít dân cư để đề xuất chủ trương đầu tư lập dự án bồi thường đất nông nghiệp bằng đất ở tạo quỹ đất sạch. Từ đó tham mưu tổ chức bán đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế – xã hội TP.HCM.
Cùng với đó, tổ công tác cũng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, công tác đấu thầu dọc hai bên tuyến đường để đảm bảo đồng bộ.
Trước đó, ngành giao thông TPHCM rà soát, tính toán quỹ đất vùng phụ cận dự án Vành đai 3 ở địa bàn TP.HCM có gần 2.500 ha. Trong đó, có khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý có thể bán đấu giá thu về gần 30.000 tỷ đồng.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài hơn 76 km, chạy qua địa phận TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trong giai đoạn 1, dự án làm 4 làn xe cao tốc và đường song hành hai bên (bố trí không liên tục), quy mô mỗi bên từ 2 – 3 làn xe.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), được thực hiện một lần theo quy hoạch (8 làn xe) với hơn 640 ha đất, gần 3.900 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí đền bù, GPMB làm dự án khoảng 41.600 tỷ đồng, trong đó TP.HCM có kinh phí lớn nhất với hơn 25.600 tỷ.
Đến nay, công tác GPMB đạt 356 ha/410 ha (đạt khoảng 87%), trong đó TP Thủ Đức đã thu hồi 72,8 ha/99,8 ha (đạt khoảng 73%); huyện Củ Chi đã thu hồi 54,2 ha/65,3 ha (đạt khoảng 83%); huyện Hóc Môn đã thu hồi 94,0 ha/98,9 ha (đạt khoảng 95%); huyện Bình Chánh đã thu hồi 134,3 ha/145,9 ha (đạt khoảng 92%).
Dự kiến, sáng 18/6, dự án sẽ chính thức khởi công, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km (đoạn qua TP.HCM dài 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km), chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Dự án được Quốc hội thông qua giữa tháng 6, giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm làm đầu mối tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đây là trục đường liên vùng và điểm đầu của tuyến cao tốc hướng tâm như: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; TP.HCM – Trung Lương, Bến Lức – Long Thành…
Việc khép kín vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.
Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian hành trình, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM – Long Thành.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị