Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo chất vấn: “Hiện nay trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới có 6 chương trình chuyên đề tuy nhiên Trung ương chưa giao vốn dẫn đến khó khăn cho địa phương trong xây dựng kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền, ngoài ra quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn hiện nay thể hiện sự lúng túng trong chính sách cụ thể như: đối với hợp phần giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có đầu tư đài truyền thanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tuy nhiên trên thực tế vốn từ ngân sách trung ương không đủ nguồn lực để đầu tư hệ thống đài truyền thanh này, trong khi đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không được đầu tư đài truyền thanh ở địa bàn xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo… qua đó thể hiện sự chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung, từ đó cho thấy công tác lồng ghép nhiệm vụ và nguồn lực thực hiện 3 nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều điểm nghẽn. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát và có giải pháp tháo gỡ ngay để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.”

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:

1. Về việc phân bổ vốn thực hiện 06 chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới:

Vốn nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện 06 chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương triển khai phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2023 thực hiện các chuyên đề này.

Như vậy, Trung ương đã thực hiện việc giao vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định. Địa phương có trách nhiệm chủ động xây dựng, phê duyệt, giao kế hoạch, dự toán để khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình.

2. Về việc đầu tư hệ thống đài truyền thanh thuộc nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới:

Việc phân bổ kinh phí ngân sách trung ương năm 2022 và năm 2023 của 02 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ các địa phương thực hiện đầu tư hệ thống đài truyền thanh (bao gồm cả trang bị mới, nâng cấp và sửa chữa) không có sự trùng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng trong thực hiện. Cụ thể:

– Kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững bảo đảm bố trí đủ để hỗ trợ 1.547 xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo thực hiện việc đầu tư, sửa chữa đài truyền thanh xã trong giai đoạn 2021-2025. Việc phân bổ kinh phí ngân sách trung ương được thực hiện hằng năm, bảo đảm đủ định mức hỗ trợ của giai đoạn 5 năm theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức, đối tượng phân bổ vốn của Chương trình.

– Kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ đầu tư mới, sửa chữa đài truyền thanh xã tại các xã còn lại (ngoài các xã đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nêu trên).

3. Về việc lồng ghép nhiệm vụ và nguồn lực thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia:

Nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Căn cứ điều kiện thực tiễn, các địa phương có trách nhiệm chủ động lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án khác để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích