Nhà bùn – Xu hướng sống xanh của giới thượng lưu Ấn Độ
Nhà bùn – Xu hướng sống xanh của giới thượng lưu Ấn Độ
Với mong muốn hướng đến lối sống đơn giản và xanh hơn sau thời gian dài vật lộn với những khó khăn của đại dịch COVID-19, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu đang tìm đến những căn nhà bùn truyền thống ở làng quê Ấn Độ.
Lối sống xanh sau khủng hoảng
Theo báo bưu điện Hoa Nam buổi sáng, mỗi khi Reva Malik đặt chân đến các miền đất xa xôi của Ấn Độ, cô đều bị thu hút bởi những ngôi nhà bùn thân thiện với môi trường.
Sau thời gian dài sống trong những căn hộ khang trang nhiều phòng ở thành phố lớn, ba năm trước, Malik đã quyết định chuyển đến ngôi nhà bùn rộng 59 mét vuông. Ngôi nhà này chỉ có một phòng nằm trong khu dân cư nhỏ, gồm những ngôi nhà bùn tương tự ở ngoại ô thành phố Bangalore, miền Nam Ấn Độ.
Malik, bà mẹ một con, đã chi 30.500 USD để xây ngôi nhà bùn mà cô luôn mong muốn sở hữu.
“Chúng tôi muốn kết nối lại với thiên nhiên và trở lại một phần của mạng lưới sự sống. Lựa chọn sống trong nhà bùn đã giúp tôi hoàn thiện quá trình này và giúp cuộc sống của chúng tôi trở nên lành mạnh hơn. Chúng tôi cũng nhận ra rằng thiên nhiên thực sự phong phú”, cô Malik, người đồng sở hữu công ty tư vấn Primalise, chia sẻ.
Cũng giống như Malik, nhiều gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu khác ở Ấn Độ – từng sống trong những ngôi nhà gỗ rộng lớn hoặc căn hộ khang trang ở các thành phố – cũng chuyển sang những ngôi nhà bùn nhỏ hơn, phần lớn nằm ở ngoại ô các thị trấn nhỏ. Họ lựa chọn cách sống đơn giản hơn, xanh hơn trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Và các nhà thiết kế, quy hoạch và kiến trúc sư đang giúp họ xây dựng những ngôi nhà tối giản chủ yếu bằng bùn, ngoài ra còn có các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên khác – bao gồm tre, gỗ tái chế, vôi, gạch nung, phân bò, vỏ lúa mì và đá.
Mặc dù người dân ở các ngôi làng Ấn Độ có truyền thống sống trong những ngôi nhà bằng bùn, nhưng từ những năm 1960 và 1970, nhiều người đã bắt đầu chuyển sang những ngôi nhà bê tông khang trang, tiện nghi hơn. Đây được coi là dấu hiệu của quá trình dịch chuyển kinh tế xã hội.
Các kiến trúc sư cho biết, sau đại dịch COVID-19, nhiều người Ấn Độ ở thành thị đang mong muốn sở hữu những ngôi nhà bùn có giá xây dựng rẻ hơn tới 30% so với nhà bê tông. Ngoài ra, chi phí bảo trì của một ngôi nhà bùng gần như không đáng kể.
Kiến trúc sư Anujna Nutan Dnyaneshwar, sống ở thành phố Pune, miền Tây Ấn Độ, cho biết nhiều chuyên gia công nghệ và giải trí từng kiếm được nhiều tiền khi mới ngoài 40 tuổi, đang chọn lối sống “lành mạnh” và “khiêm tốn”.
Cô cho biết COVID-19 là bước ngoặt để nhiều người bắt đầu khởi đầu mới tối giản và xanh hơn, bằng cách sống trong những ngôi nhà thân thiện với môi trường, sau khi phải đối mặt với mất mát khi mất đi người thân và việc làm.
Xu hướng nhà ở thân thiện với môi trường
Savneet Kaur – kiến trúc sư trưởng của Imarat Architects, công ty có trụ sở tại thành phố Chandigarh phía tây bắc Ấn Độ – chia sẻ rằng, công ty của cô đang thúc đẩy xu hướng xây dựng thân thiện với môi trường.
Kaur cũng sống trong một căn hộ “xanh” và theo đuổi lối sống hiện đại, đảm bảo cân bằng sinh thái phù hợp với yêu cầu cá nhân.
Nữ kiến trúc sư 51 tuổi giải thích những ngôi nhà bằng bùn đem lại “cuộc sống lành mạnh” vì những bức tường được xây từ vật liệu bền vững, có thể lọc và làm sạch không khí. Quá trình xây dựng những căn nhà này cũng sử dụng nhiều kỹ thuật thân thiện với môi trường, như thiết kế thụ động bằng năng lượng Mặt trời. Điều này có nghĩa là các bức tường, sàn nhà và cửa sổ sẽ hấp thụ ánh nắng Mặt trời để giữ ấm trong những tháng mùa đông và làm mát vào mùa hè nhờ vật liệu tự nhiên.
Cô Kaur cho biết kết cấu đặc biệt của mô hình nhà ở này, với vật liệu bên trong là đất sét và bê tông rỗng, cũng tốt hơn cho hành tinh mà không ảnh hưởng đến độ an toàn của tòa nhà. Một kỹ thuật “xanh” khác trong xây dựng nhà bùn đó là sử dụng vữa vermiculite – một loại khoáng chất, chất cách nhiệt hiệu quả hơn nhiều so với vữa thông thường.
Kiến trúc sư Lakshmi Swaminathan tại Tamil Nadu cho rằng, xây dựng và sống trong những ngôi nhà bùn là một phần không thể thiếu của cuộc sống có trách nhiệm. Những ngôi nhà bùn giúp làm giảm lượng khí thải carbon, sử dụng các vật liệu bền vững, chính là mục tiêu chính của kiến trúc sư Swaminathan trong mỗi dự án.
“Tôi đang cố gắng bổ sung một số vật liệu mới vào kiến trúc bản địa hiện có,” cô Swaminathan nói.
Làm việc tại Quỹ Hunnarshala có trụ sở tại Gujarat, tổ chức phi chính phủ chuyên thiết kế và lên kế hoạch xây dựng nhà ở bền vững sau các trận động đất ở Iran, Afghanistan và Ấn Độ, kiến trúc sư Aditya Singh cũng lựa chọn sống trong ngôi nhà bùn.
Các bức tường của nhà bùn được tạo ra từ hỗn hợp vữa – gồm bùn trộn với chất kết dính tự nhiên, như vôi trong đá cẩm thạch araish và kodi, đường thốt nốt, cỏ cà ri (một loại cây) và sử dụng cao su tự nhiên từ nhựa cây và bụi đá cẩm thạch để chống thấm.
Ông Singh đã hoàn thành xây dựng 5 ngôi nhà bùn vào năm ngoái. Ông nói cho biết: “Bản chất thoáng khí của những bức tường bùn khiến chúng trở thành một chất cách nhiệt hiệu quả, giúp chúng duy trì nhiệt độ ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.”
Theo ông, để xây dựng một căn nhà bùn có thể mất từ 2 tháng đến 2 năm. Việc xây dựng còn phụ thuộc vào một số yếu tố – bao gồm quy mô của tòa nhà, kỹ thuật xây dựng, điều kiện thời tiết và số lượng thợ xây tham gia công trình.
Cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai
Tại nhiều ngôi làng ở Ấn Độ, người ta thường bắt gặp những ngôi nhà bằng bùn đã tồn tại lâu đời, có căn nhà có tuổi đời hơn 70 năm, với nhiều thế hệ trong các gia đình cùng sinh sống. Đối với họ, kiến trúc bền vững này là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Còn ở những vùng đồi núi hẻo lánh, nơi khan hiếm đất tốt, phương pháp xây tường bằng cách trát bùn, đã được sử dụng hàng nghìn năm. Người dân thường dùng cọc gỗ hoặc tre để dựng nhà, sau đó trát đất sét hoặc bùn lên để thành những bức tường vững chãi. Ông Singh nói thêm: “Những ngôi nhà này có khả năng chống động đất một cách tự nhiên”.
Cách xa hàng trăm km, trở lại Bangalore, cô Malik vẫn đang suy nghĩ về phương pháp thay đổi lối sống, học tập và làm việc thân thiện với môi trường.
Cô trồng rau, thu gom nước mưa, sử dụng cành cây khô làm chất đốt cho bếp củi và biến tro củi thành nước rửa bát. Cô cũng sử dụng nước thải để tưới cây và chế tạo phân bón từ thức ăn thừa. Malik hết lòng tin tưởng những điều cô đang làm sẽ phần nào thúc đẩy thế hệ tiếp theo trở thành những công dân có trách nhiệm.
“Chúng ta phải quan tâm đến môi trường xung quanh và hành tinh của chúng ta, giống như chúng ta chăm sóc cơ thể mình vậy”, cô Malik nói.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị