Áp lực bán mạnh, VN-Index đảo chiều giảm 5 điểm

Đầu phiên giao dịch sáng, VN-Index tiếp cận khu vực kháng cự mạnh quanh 1125 với xấp xỉ 200 mã tăng điểm. Tuy nhiên, thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng mạnh khiến cho thị trường lập tức đảo chiều giảm điểm về dưới mốc tham chiếu.
Theo công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính đến 1h30 chiều, thanh khoản mua chủ động chiếm đến gần 55% cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau khi thị trường đã trải qua một nhịp tăng dài và tiếp cận lại vùng kháng cự mạnh. Về gần cuối phiên, tuy VN-Index có được sự cải thiện về mặt điểm số nhưng chủ yếu lực cầu chỉ đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, VCB.
Kết phiên giao dịch ngày 14/6, VN-Index giảm 5,04 điểm (-0,45%) về mức 1117,42 điểm. HNX-Index giảm 1,34 điểm (-0,58%) về 228,91 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm yết trở nên tiêu cực hơn với áp lực bán áp đảo khi có tổng cộng 405 mã giảm giá (16 mã giảm sàn), 193 mã tăng giá (12 mã tăng trần) và 108 mã giữ giá tham chiếu.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 19.134,84 tỉ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước, duy trì trên mức trung bình, với áp lực chốt lãi ngắn hạn gia tăng mạnh ở nhóm mã vốn hóa trung bình và nhỏ ở vùng giá quanh 1125 điểm, đỉnh cũ tháng 01/2023 của VN-Index.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua mua ròng với giá trị gia tăng mạnh lên 604,58 tỉ đồng trên HOSE, gia tăng mua ròng đối với nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán.., mua ròng trên HNX với giá trị 10,43 tỉ đồng.
Số liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho thấy, VN-Index đã đảo chiều giảm điểm sau 03 phiên tăng liên tiếp với nhiều mã chịu áp lực chốt lãi mạnh điển hình như trong nhóm bất động sản với QCG (-6,64%), ITC (-5,76%), DRH (-4,90%), LDG (-4,36%), TDC (-4,35%), PDR (-4,24%),… ngoài một số mã vẫn tăng giá như NLG (+1,64%), VHM (+0,53%)…
Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp nhiều mã cũng chịu áp lực bán mạnh với thanh khoản gia tăng như DTD (-4,81%), VGC (-3,98%), TIP (-3,27%), ITC (-2,97%), IDC (-2,52%)…
Nhóm cổ phiếu thủy sản, nông nghiệp đa số cũng chịu áp lực tương tự với thanh khoản trên mức trung bình như ACL (-6,72%), IDI (-3,46%), CMX (-2,91%), ANV (-2,71%).. BAF (-1,29%), TAR (-1,27%)…
Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng phân hóa hơn, có tính chất giữ nhịp thị trường với mức giảm điểm của VN30 ít hơn so với thị trường chung, đa số chịu áp lực điều chỉnh như VAB (-3,49%), EIB (-1,86%), MSB (-1,53%), STB (-1,53%)… ngoài các mã tăng giá như NAB (+3,08%), SHB (+2,45%), CTG (+1,415), VPB (+1,28%)….
Các mã trong các nhóm ngành khác hầu hết đều chịu áp lực bán, điều chỉnh ngắn hạn, trong đó nhóm cổ phiếu cảng biển, logistics vẫn có VSC (+6,17%) tăng giá mạnh với khối lượng cao nhất lịch sử, DVP (+4,35%)…
Các chuyên gia của VCBS cho rằng, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh thì việc VN-Index rung lắc với biên độ lớn với hỗ trợ gần nhất xung quanh khu vực 1095 – 1100 là cần được tính đến. Do đó, các nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, chủ động chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã có lợi nhuận và nâng cao tỷ trọng tiền mặt để quản trị rủi ro trong những phiên tới.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu