Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử tại Tòa án

Theo nhóm tác giả để việc áp dụng án lệ vào hoạt động xét xử tại toà án cần được đẩy mạnh và thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần đa dạng án lệ trên các lĩnh vực. Đây là giải pháp cần thiết, vì tiếp tục phát triển án lệ theo hướng đa dạng sẽ làm cho án lệ trở nên phong phú và giúp ích cho việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử trở nên dễ dàng và hiệu quả. Do đó, để khắc phục tình trạng số lượng án lệ công bố còn hạn chế chưa đủ để phục vụ cho công tác xét xử thì nên công bố thêm các án lệ mới trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu chất lượng đặt ra. Đồng thời, khắc phục tình trạng xuất hiện các lỗ hổng trong quy định của pháp luật hoặc các vấn đề chưa được quy định thì cần tiếp tục công bố thêm án lệ trên nhiều lĩnh vực khác nhau.   

Ảnh minh họa. Nguồn Internet 

Thứ hai, ban hành luật về áp dụng Án lệ trong hoạt động xét xử tại Tòa án. Trên thực tế, hiệu lực pháp lý của án lệ còn thấp so với các nguồn luật khác. Do đó, cần nâng cao hiệu lực pháp lý, cụ thể như việc ban hành Luật quy định về việc áp dụng án lệ vào hoạt động xét xử là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần chú ý tránh tình trạng luật vừa ban hành lại phải thu hồi chỉnh sửa, bổ sung luật thì các nhà làm luật, soạn luật cần căn cứ xem xét vào các điều kiện tình hình thực tế để có thể soạn luật, làm luật cho phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế – xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác soạn luật, làm luật cũng phải được chú trọng thực hiện kỹ và giám sát thường xuyên trước và sau khi luật được thông qua.

Thứ ba, cần ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết, rõ ràng, cụ thể việc thi hành và áp dụng án lệ vào hoạt động xét xử vụ án liên quan đến lao động nói riêng và các vụ án khác nói chung. Nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không được để các văn bản chồng chéo lên nhau, hoặc văn bản hướng dẫn thi hành luật quá nhiều dễ gây ra tình trạng hoạt động xét xử không biết nên áp dụng văn bản nào cho phù hợp với vụ án.

Thứ tư, khuyến khích các cơ quan tư pháp (đặc biệt là Tòa án) phát hiện những bản án được xem là mang tính chuẩn mực trong áp dụng pháp luật để giải quyết các tình huống phức tạp diễn ra trong thực tế. Từ đó, đề xuất nâng lên thành án lệ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động xét xử.

 Thứ năm, các bản án lệ cần được phân tích rõ ràng và chỉ ra những vấn đề nổi cộm của vụ án trong án lệ. Không nên phân tích mang tính chung chung hoặc phân tích thiếu chi tiết những vấn đề trong vụ án. Như vậy sẽ gây ra áp dụng án lệ vào thực tiễn xét xử trở nên khó khăn và gây ra nhiều bất cập “mỗi chỗ hiểu một ý” không đi đúng trọng tâm của vụ án.

Thứ sáu, cần tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề để lấy ý kiến các nhà làm luật, các chuyên gia nghiên cứu luật học đóng góp về hoàn thiện pháp luật và áp dụng pháp luật, áp dụng án lệ vào công tác xét xử. Để từ đó các cơ quan chuyên môn có thể vận dụng, áp dụng các đề tài đó đưa các đề tài vào thực tiễn xét xử tại Tòa án.

Thứ bảy, cần đẩy mạnh, đổi mới chính sách pháp luật về phương thức đào tạo thẩm phán. Nâng cao hiệu quả của việc áp dụng án lệ vào quá trình giải quyết vụ án; đào tạo thẩm phán có chất lượng tốt, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; đạo đức nghề nghiệp được đảm bảo, chỉ có như vậy thì việc chọn lựa phân tích và nghiên cứu, đánh giá và áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử mới đạt được hiệu quả cao.

Kết luận: Có thể nói việc áp dụng án lệ vào hoạt động xét xử của Tòa án nói chung và của TAND tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là hoạt động rất quan trọng. Nó giúp cho các cơ quan tư pháp đặc biệt là Tòa án có thể áp dụng những trường hợp mà pháp luật hay tập quán pháp, hoặc tiền lệ pháp chưa quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, cụ thể để áp dụng vào hoạt động xét xử, đảm bảo nguyên tắc theo luật tố tụng. Qua việc nghiên cứu án lệ và trong hệ thống pháp luật Anh, Mỹ thì có thể hiểu được án lệ là một nguồn luật không thể thiếu, việc sử dụng án lệ trong hoạt động xét xử mang lại những hiệu quả đáng kể. Mặc dù trong án lệ vẫn có những hạn chế, nhưng những hạn chế đó sẽ dần được khắc phục trong quá trình áp dụng trong thực tiễn hiện nay.

Vì vậy, đã đến lúc cần thừa nhận vai trò của án lệ để Việt Nam có một hệ thống pháp luật linh hoạt và hoàn thiện hơn. Bởi lẽ, khi áp dụng án lệ sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước hiện nay. Do đó, Đảng và Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo để hoạt động xét xử tại Toà án được tốt hơn, đặc biệt khi án lệ cần phải được các thẩm phán xem xét và vận dụng mang tính bắc buộc thay vì chỉ vận dụng tuỳ nghi như hiện nay trong hoạt động xét xử tại Toà án./.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Luật lao động năm 2019;
  2. Luật tổ chức Tòa án năm 2014;
  3. Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015;
  4. Luật tố tụng hành chính năm 2015;
  5. Thông tư số 19-VHS 30-6-1955 của Bộ Tư pháp về việc áp dụng luật hợp lệ;
  6. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/205 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;
  7. Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng Án lệ;
  8. Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán  về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng Án lệ.

*TS. Hồ Đức Hiệp và Lê Hoàng Nam; Nguyễn Đức Bảo Duy; Nguyễn Ngọc Minh Thuận – Sinh viên lớp Luật 2005LHOK, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích