TP.HCM: Mở chiến dịch xử lý vi phạm tốc độ giao thông

Chiến dịch nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu” tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, trong khuôn khổ Chương trình Đối tác vì những thành phố khỏe mạnh (Partnership for Healthy Cities – PHC) do Quỹ Bloomberg Philanthropies tài trợ với các đối tác là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies.

Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của nhiều đơn vị trực thuộc Ban An toàn giao thông Thành phố. 

Chiến dịch được triển khai với 2 nội dung chính gồm hoạt động tuyên truyền và công tác cưỡng chế. Cụ thể, hoạt động tuyên truyền được thực hiện từ ngày 13/6 – 31/8, trên các phương tiện thông tin, website và nền tảng mạng xã hội; phổ biến video clip tại các đơn vị vận tải hành khách, bến xe khách, bệnh viện, trường học, ký túc xá sinh viên, khu nhà trọ công nhân; tổ chức sự kiện chủ đề “Sang đường an toàn” tại một trong các trường tiểu học tham gia dự án “Trường học an toàn”… Công tác cưỡng chế do lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố và các quận, huyện xây dựng kế hoạch và thực hiện từ 1/7 – 31/8.

Ông Nguyễn Thành Lợi – Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh phát biểu. 

“TP Hồ Nội cùng Đà Nẵng và Hà Nội là 3 địa phương được lựa chọn tham gia ký kết thỏa thuận về ngăn chặn va chạm, an toàn giao thông trên đường bộ của toàn cầu. Và trên toàn thế giới có khoảng 70 thành phố tham gia chương trình do do Quỹ Bloomberg Philanthropies tài trợ. Chương trình tập trung triển khai các giải pháp, hạn chế va chạm, thương vong, đảm bảo an toàn giao thông. Tại TP Hồ Chí Minh, chiến dịch bắt đầu triển khai từ năm 2015 với 3 giai đoạn: từ 2015 – 2019, 2020 – 2021, 2022 – 2025 (giai đoạn hiện tại)…” – Ông Nguyễn Thành Lợi cho biết. 

Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, chiến dịch tuyên được triển khai với mục đích tăng cường hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, chấp hành nghiêm quy định về tốc độ. Đồng thời, góp phần xây dựng văn hóa giao thông với mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”, gắn với chủ đề ATGT năm 2023 – “thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Thông qua công tác tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả chiến dịch, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, quần chúng nhân dân.

Thông qua nghiên cứu từ các tổ chức, chuyên gia nghiên cứu về ATGT thống kê, tổng hợp, phân tích qua dữ liệu về kết quả đảm bảo ATGT tại các thành phố tham gia chương trình cho nhiều kết quả.  Theo đó,  khi tham gia giao thông với tốc độ 70km/h, nếu xảy ra tai nạn sẽ để lại hậu quả gấp 2 lần so với phương tiện lưu thông với tốc độ 50km/h. Tương tự với tốc độ 100km/h thì hậu quả tai nạn gấp 4 lần so với tốc độ 50km/h. Ngoài ra nếu lái xe vượt 5% tốc độ quy định sẽ làm tăng 10% tỉ lệ tai nạn và 20% tỉ lệ tử vong. người đi bộ có khả năng tử vong đến 80% nếu xe ô tô va chạm ở tốc độ 50km/giờ; người đi bộ có đến 90% cơ hội sống sót nếu bị xe ô tô va chạm ở tốc độ 30km/giờ trở xuống….

Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức đoàn thể thành viên cũng như các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền thông điệp “Hãy tuân thủ tốc độ quy định” và cảnh báo “Tốc độ lái xe càng cao thì nguy cơ xảy ra va chạm càng tăng và hậu quả có thể càng nghiêm trọng”; tuyên truyền thông điệp Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và góp phần kéo giảm va chạm giao thông có nguyên nhân liên quan đến hành vi vi phạm tốc độ….

Đại diện Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh, thành viên Ban ATGT TP Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh đề nghị Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cần bổ sung thêm các dữ liệu về kết quả thực hiện chiến dịch ở hai giai đoạn 2019 – 2020, 2021 – 2022 để có căn cứ, tạo thuận lợi trong công tác truyền thông đến nhân dân. Liên kết với các đơn vị y tế trực thuộc thành phố để cập nhật số liệu về tai nạn giao thông, hậu quả về thương vong do vi phạm về quá tốc độ.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình – Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường Bộ – đường Sắt TP Hồ Chí Minh (PC08) thông tin tại hội nghị.

Liên quan đến chuyên đề xử lý vi phạm tốc độ trên địa bàn Thành phố, Thượng tá Nguyễn Văn Bình thông tin, đơn vị PC08 đã tham mưu cho Công an TP Hồ Chí Minh cùng phối hợp với các đơn vị triển khai nhiều đợt ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý nhiều vi phạm an toàn giao thông (nồng độ cồn, xe quá tải, quá tốc độ, không đảm bảo an toàn theo quy định…). Theo thống kê của PC08 trong đầu năm 2023, xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông liên quan đến hành vi vi phạm quá tốc độ quy định làm 1 người chết, 5 người bị thương. Các vụ tai nạn giao thông về quy phạm tốc độ chiếm 0,68%/tổng số vụ tai nạn giao thông của toàn TP Hồ Chí Minh.

Theo số liệu thống kê trong 5 tháng đầu năm 2023, Lực lượng Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh, Phòng Cảnh sát giao thông đường Bộ – đường Sắt TP Hồ Chí Minh đã xử lý trên 41.000 trường hợp vi phạm tốc độ, chiếm hơn 70% số trường hợp được phát hiện, xử lý trên toàn Thành phố. Ngoài sử dụng các thiết bị phát hiện vi phạm quá tốc độ theo quy định, Sở Giao thông TP Hồ Chí Minh đã gắn hệ thống thiết bị camera xử lý vi phạm tốc độ  tự động trên nhiều tuyến đường, theo chỉ đạo của Cục C08.

Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường Bộ – đường Sắt TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Ban ATGT thực hiện mã hóa các kênh tuyên truyền, tài liệu và thông tin về chiến dịch qua mã QR để người dân tiếp cận một cách dễ dàng hơn, nâng cao hiệu quả của toàn chiến dịch trên địa bàn Thành phố.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích