Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển tỉnh Vĩnh Phúc

Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển vững chắc với phương châm “Tiên phong sáng tạo, khát vọng đổi mới”, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao trung bình đến năm 2030 đạt 25%/năm; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người Vĩnh Phúc, bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các tỉnh của cả nước; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao (CNTT, công nghệ phần mềm, công nghệ tự động hóa và điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, argis,…) vào sản xuất phù hợp với những đặc thù và lợi thế riêng của tỉnh. Chú trọng phát triển các sản phẩm công nghiệp, công nghiệp điện tử chủ lực tỉnh đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước. Gắn KH&CN với sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch; sinh thái, du lịch – dịch vụ, đô thị.

Cụ thể, nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp.

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế (GRDP), phấn đấu đạt mức 50% (năm 2025) và đến năm 2030 phấn đấu đạt 55%. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại, đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2025 và là tỉnh có công nghiệp hiện đại vào năm 2030; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ảnh minh họa.

Đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP, GlobalGAP,…) hoặc tương đương đạt trên 10%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao đạt trên 5%; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 25% GRDP; xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu của cả nước.

Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo phấn đấu đạt tối thiểu 45%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP, GlobalGAP,…) hoặc tương đương đạt trên 30%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao đạt trên 10%; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP; xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu của cả nước.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh, đất nước; đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI), phấn đấu duy trì mức trên 0,7.

Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh góp phần không ngừng cải thiện, nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam (thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới).

Đến năm 2025, đầu tư cho khoa học và công nghệ của tỉnh phấn đấu đạt 2 % GDP. Đến năm 2030, đầu tư cho khoa học và công nghệ của tỉnh phấn đấu đạt trên 2% cao hơn mức bình quân của cả nước. Đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh (quy đổi toàn thời gian) phấn đấu đạt 10 người trên một vạn dân, đến năm 2030 phấn đấu đạt 12 người trên một vạn dân; trong đó chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp.

Hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ được cơ cấu lại gắn với định hướng ưu tiên phát triển của quốc gia, tỉnh, ngành và lĩnh vực theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Đến năm 2025, phấn đấu có 1-2 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng quốc gia và khu vực, đến năm 2030 có 3-4 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng quốc gia và khu vực.

Đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng tối thiểu hai lần so với năm 2020 (trong đó, đến năm 2025 phát triển thêm 05 doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đến năm 2030 phát triển thêm 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ); tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo phấn đấu đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp.

Gia tăng mạnh mẽ số lượng công bố quốc tế về sở hữu trí tuệ, đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế, đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng, tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại trên tổng số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ so với hiện nay (đến năm 2025, tối thiểu đạt 25 đối tượng và đến năm 2030, tối thiểu đạt 30 đối tượng là nhãn hiệu, sáng chế/giải pháp hữu ích; kiểu dáng công nghiệp; giống cây trồng; bản quyền tác giả số lượng tài sản trí tuệ được hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ).

Về nội dung thực hiện, thứ nhất là đổi mới cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh; thứ hai là xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo của tỉnh; thứ ba là thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thứ tư là phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh; thứ năm là phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực; thứ sáu là phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thứ bảy là thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; thứ tám là đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thứ chín là tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thứ mười là tổ chức xây dựng và thực hiện chính sách.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích