Nỗ lực đảm bảo điện phục vụ người dân, doanh nghiệp
Thời tiết nắng nóng cao độ, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhất là các thiết bị làm mát như điều hoà, quạt hơi nước… Qua app theo dõi về tình hình sử dụng điện hằng ngày, bà Cao Thị Quyên ở phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) đã thấy rõ số điện gia đình dùng tăng cao hơn nhiều, mỗi ngày gia đình bà sử dụng 1-2 điều hòa cùng các thiết bị điện như tủ lạnh, quạt, bếp đun nấu, đèn chiếu sáng… đã tiêu tốn 40-43 kW điện/ngày. So với trước thời điểm nắng nóng thì tăng gấp hai lần. “Gia đình tôi cũng luôn nhắc nhở con cháu tắt các thiết bị khi không cần thiết, ban ngày các con đi làm, hai ông bà với 3 cháu ở nhà chỉ sử dụng 1 điều hòa, tối ngủ thì gia đình 7 người nên phải sử dụng 2 điều hòa. Tôi đã hạn chế giặt quần áo bằng máy, không rửa bát bằng máy để giảm bớt thiết bị sử dụng điện”, bà Quyên cho hay.
Cán bộ, nhân viên ngành Điện Hà Nội nỗ lực đảm bảo an toàn cấp điện cho người dân Thành phố |
Mặc dù khu vực sinh sống của gia đình bà Quyên chưa bị cắt điện, nhưng gia đình bà Quyên cũng như nhiều hộ gia đình tại đây cũng đã có ý thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Từ hộ gia đình, các doanh nghiệp, cơ quan hành chính đều sử dụng tăng cao nên theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) tính chung toàn thành phố, lượng điện tiêu thụ trong tháng 5 đã tăng 22,5% so với bình quân tháng 4. Cụ thể, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày trên toàn thành phố tháng 3 là 58.336 triệu kWh, tháng 4 là 61.542 triệu kWh thì tháng 5 là 75.406 triệu kWh…
Những ngày qua, ghi nhận mức tiêu thụ điện liên tục tăng cao, khiến các thiết bị trên lưới điện liên tục vận hành trong tình trạng đầy tải, thậm chí quá tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố cục bộ, nguy cơ cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường. Để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp. Không có điện, nhiều hộ dân trên địa bàn Thành phố đã phải chống chọi với sự nóng nực và sinh hoạt khó khăn; trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, nhiều hợp đồng bị trễ hạn với khách nên phải tổ chức làm tăng ca đêm thì lại bị phát sinh chi phí tăng gấp đôi (lương, hỗ trợ ăn uống…) trong khi năng suất làm đêm chỉ bằng 50-70% ban ngày. Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống máy móc chủ yếu là công nghệ tự động hóa, việc vận hành liên tục mà bị ngắt quãng do mất điện cũng dẫn đến báo lỗi, doanh nghiệp phải sửa chữa, cài đặt lại, mất thời gian và tăng chi phí.
Trước thực trạng khó khăn của ngành Điện, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nỗi khổ của người dân do sự bất tiện của việc mất điện gây ra. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, từ tháng 5 đến nay, tình trạng nắng nóng kỷ lục trên cả nước, diễn biến phức tạp, kéo dài dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt. Trong khi nước về các hồ thủy điện ở phía Bắc thấp, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho mùa khô năm 2023. Ngoài ra, nguồn than nhập khẩu về chậm hơn so với nhu cầu cung ứng cho sản xuất điện. Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện mức cao nhất, đặc biệt là trong giai đoạn ngắn hạn. Bộ Công Thương thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng với các giải pháp quyết liệt khẩn trương, đảm bảo cung ứng điện trong mùa nắng nóng.
Những ngày cuối tháng 6/2023, dự báo miền Bắc tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục, dự kiến phụ tải miền Bắc và hệ thống điện Quốc gia sẽ tiếp tục có thể còn tăng cao hơn trong các ngày tới. Để tránh quá tải cục bộ gây gián đoạn việc cung cấp điện, EVN Hà Nội cũng khuyến cáo người dân, các cơ quan, công sở, cơ sở kinh doanh sản xuất… cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào các khung giờ cao điểm của hệ thống điện, từ 11h30 – 14h30 và từ 20h – 22h hàng ngày. |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra 3 giải pháp chính, trong đó nhấn mạnh đảm bảo và tăng cường công tác vận hành, vận hành hệ thống điện sẵn có và đảm bảo việc cung cấp nhiên liệu để phục vụ sản xuất điện. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị điện lực tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà Thủ tướng và Chính phủ giao để đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023. Đồng thời rà soát công tác vận hành hệ thống điện, chỉ đạo các đơn vị phát điện chuẩn bị tư liệu sẵn sàng phục vụ cho phát điện…
Về giải pháp tiết kiệm điện, không phải khi thiếu điện mới tiết kiệm điện mà đây là chính sách xuyên suốt từ trước đến nay, đặc biệt việc này có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Hiện nay đã có 55/63 UBND các tỉnh, thành ban hành văn bản chỉ đạo tiết kiệm điện trên địa bàn. Kết quả sản lượng điện tiết kiệm điện hàng ngày khoảng 20 triệu kWh/ngày, tương đương 2,5% sản lượng điện tiêu thụ. Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong quy hoạch, vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó chỉ nêu tổng công suất điện gió, điện mặt trời sẽ phát triển đến năm 2030. Trong quy hoạch không nêu cụ thể dự án điện. Bộ Công Thương đang xây dựng quy hoạch theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao. Trong đó sẽ cụ thể hoá quy mô công suất điện, tiến độ các dự án theo từng địa phương.
Tuy nhiên, những dự án không nằm trong quy hoạch là dự án gặp một số vấn đề, Bộ Công Thương đã có văn bản hướng dẫn giải quyết vấn đề này. Căn cứ Luật giá, Luật Điện lực làm cơ sở cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ dự án đàm phán giá điện. Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án là cần thiết, tuy nhiên, ngoài vấn đề cơ chế giá điện, các dự án phải tuân thủ quy định pháp luật. Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các tỉnh hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Ông Đỗ Thắng Hải hy vọng các dự án không nằm trong quy hoạch sớm khắc phục được khó khăn, vướng mắc để đưa điện hoà vào mạng lưới, đảm bảo điện cho sản xuất, cũng như đời sống nhân dân.
Nguồn: Báo lao động thủ đô