Bài 2: Khi nhà ở vẫn… rất ít
Cung chưa đáp ứng nhu cầu
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn, công nhân lao động (CNLĐ) trong các khu công nghiệp thường có tuổi đời còn trẻ (chủ yếu từ 18 đến 35 tuổi). Vì vậy, ngoài những cá nhân chưa lập gia đình còn rất nhiều “gia đình công nhân” đang sinh sống trên địa bàn quanh khu vực khu công nghiệp. Đối với những công nhân trẻ chưa lập gia đình có cuộc sống đơn giản hơn, họ thường tổ chức sống chung theo nhóm nhằm chia sẻ khó khăn chi phí về nhà ở và các sinh hoạt phí khác. Tuy nhiên, với nhóm “gia đình công nhân” cuộc sống có nhiều đòi hỏi phức tạp hơn. Ngoài chi phí về nhà ở, các khoản sinh hoạt phí khác trang trải cuộc sống cũng tốn kém hơn. Đặc biệt đối với các hộ gia đình có con nhỏ việc chăm lo ăn, học cho con cái khiến hầu như các gia đình công nhân không còn khả năng tích lũy kinh tế để mua những căn nhà ở xã hội. Họ chỉ trông chờ vào việc trợ cấp của Nhà nước nhằm thuê những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế và đảm bảo nhu cầu cuộc sống của hộ gia đình. Nhưng, thực tế hiện nay Thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của CNLĐ.
Nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ. |
Theo thống kê, Hà Nội có tổng số gần 170 nghìn công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở cho công nhân (chiếm gần 13%). Cụ thể, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay đang có 4 dự án nhà ở cho CNLĐ tại các khu công nghiệp đã được triển khai xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở gồm: Dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh; Dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ; Dự án khu nhà ở công nhân Công ty TNHH Meiko; Dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast, tại Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai.
Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, thành phố Hà Nội đã triển khai một số chính sách phát triển nhà ở cho công nhân như: Huy động nguồn vốn đầu tư triển khai các Dự án nhà ở cho CNLĐ từ các nguồn khác nhau (ngân sách Thành phố, vốn vay ưu đãi, vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, vốn của doanh nghiệp sử dụng lao động…); tìm kiếm, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển nhà ở cho CNLĐ trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp – đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động. Thành phố và các quận, huyện cũng liên tục rà soát, bố trí, quy hoạch, sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại và bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa cho CNLĐ gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Với các khu công nghiệp đang xây dựng hoặc còn đất trống thì cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết chuyển một phần đất công nghiệp sang làm nhà ở công nhân…
Tháo gỡ những vướng mắc
Mặc dù rất nỗ lực để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân xong hiện tại, Hà Nội vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong vấn đề này. Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết, khó khăn trước hết là về quỹ đất. Các khu công nghiệp hiện nay trên địa bàn thành phố đều được xây dựng từ rất lâu, có khu công nghiệp xây dựng cách đây hơn 20 năm, hầu hết chưa được quy hoạch quỹ đất phục vụ việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Việc quy hoạch xây dựng và phát triển cũng như quản lý các dự án nhà ở CNLĐ còn nhiều khó khăn do các dự án chủ yếu có tính chất là các công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa rõ để thực hiện trách nhiệm với các công trình xã hội – phúc lợi – công cộng.
“Ngoài thiếu quỹ đất, ngân sách cho xây nhà ở xã hội cũng còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà do vướng cơ chế chính sách, hơn nữa, lợi nhuận hầu như rất thấp, thậm chí không có. Đồng thời, cũng chưa có quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở công nhân” – ông Tuấn trăn trở. Về nguồn vốn (vốn của doanh nghiệp, vốn vay, vốn ngân sách) phục vụ chương trình phát triển nhà ở cho công nhân còn hạn hẹp, khó tiếp cận và chưa đáp ứng được nhu cầu. Các chính sách ưu đãi về vốn theo quy định của pháp luật hiện nay chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Trong khi các dự án có thời gian thu hồi vốn kéo dài từ 20 – 30 năm. Vì vậy việc xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng phát triển nhà ở công nhân còn gặp nhiều khó khăn.
Trong cơ chế chính sách, hiện chưa có cơ chế phân cấp quản lý và đầu tư cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị về quản lý đầu tư xây dựng các dự án nhà ở cho CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp. Cụ thể, theo quy định hiện có 2 gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn cầu, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gồm: Chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15 nghìn tỷ đồng; cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.
Đây là những chính sách rất cụ thể và thiết thực để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp ở đô thị, cũng như công nhân ở các khu công nghiệp có điều kiện tiếp cận vay vốn mua nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân có nhà ở để họ yên tâm công tác. “Tuy nhiên cần phân cấp quản lý và đầu tư cụ thể, rõ ràng, thống nhất cho các cơ quan, đơn vị đối với việc quản lý đầu tư xây dựng các dự án nhà ở công nhân trong các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo hiệu quả” – ông Trần Anh Tuấn bày tỏ.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của CNLĐ, có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương. Ngoài ra, theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, vấn đề cũng thuộc về ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp khi sử dụng lao động đều chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân và xem đó chủ yếu là trách nhiệm của xã hội, của Nhà nước.
(Còn tiếp)
Nguồn: Báo lao động thủ đô