Gỡ vướng vắc xin tiêm chủng mở rộng
Theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 về chương trình mục tiêu y tế – dân số giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định 1125), trong đó có thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế được giao mua vắc xin và cấp phát cho các địa phương. Từ năm 2020, các nội dung liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu phải hoạt động lồng ghép vào nội dung chi của các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình chi thường xuyên khác.
Do thay đổi chính sách liên quan đến phân bổ nguồn ngân sách Trung ương cho chương trình tiêm chủng mở rộng, nên từ đầu năm đến nay diễn ra tình trạng thiếu một số loại vắc xin trên địa bàn cả nước. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đang nỗ lực tham mưu để sớm ban hành cơ chế liên quan đến việc mua vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng. |
Đồng thời, để tránh chuyển giai đoạn đột ngột khi chương trình mục tiêu y tế – dân số kết thúc, năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021. Bộ Y tế được giao dự toán từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng và một số thuốc khác như ARV, vitamin A… Chính vì thế, nguồn vắc xin phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo đủ cho năm 2021, 2022.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, thực hiện theo cơ chế mới, ngân sách được phân bổ xuống cho các địa phương dưới hình thức chi thường xuyên, trong đó có nguồn ngân sách phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng. Quy định là thế, song do thiếu các hướng dẫn liên quan đến công tác đấu thầu, mà các địa phương cũng “bó tay” trong việc triển khai.
Cụ thể, tại cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với liên bộ Y tế, Tài chính và các địa phương, đại diện Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia nên địa phương không có cơ chế thực hiện tự đấu thầu. Nên phương án khả thi nhất là Trung ương cấp ngân sách để Bộ Y tế đấu thầu và phân bổ vắc xin cho các địa phương.
Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, địa phương không thiếu kinh phí, không sợ trách nhiệm nhưng đang thiếu cơ chế mua sắm. Vì vậy, đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế Bộ Y tế mua sắm, đấu thầu tập trung vắc xin và phân bổ, điều phối cho các địa phương.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế cùng nhau gỡ vướng liên quan đến cơ chế, phân bổ ngân sách để bằng mọi giá có vắc xin thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Tại văn bản số 5609/BTC-HCSN của Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ góp ý kiến mua vắc xin thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ này cho hay, chưa có cơ sở để bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế mua vắc xin tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, để kịp thời có vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng trình Chính phủ đưa vào Nghị quyết việc tiếp tục bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để mua vắc xin tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và bổ sung dự toán ngân sách năm 2023 cho Bộ Y tế để thực hiện.
Nguyên nhân và căn nguyên dẫn đến tình trạng thiếu vắc xin đã rõ, song để “đưa” nguồn kinh phí thuộc ngân sách Trung ương về Bộ Y tế mua vắc xin thực hiện tiêm chủng mở rộng, điều kiện cần và đủ trong ngắn hạn và lâu dài phải có một Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến phân bổ ngân sách. Hy vọng, với sự vào cuộc của các bộ, ngành tới đây, vấn đề vắc xin tiêm chủng sẽ được giải quyết.
Nguồn: Báo lao động thủ đô