Sơn La: Lồng ghép tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội
(Xây dựng) – Để tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 84/QĐ-TTg, ngày 19/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, Sở Xây dựng Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 15/8/2018 về phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030. Trong đó, lồng ghép các nội dung của phát triển đô thị tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch tỉnh, khu đô thị, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh với quan điểm phát triển tỉnh Sơn La xanh, nhanh và bền vững.
Một góc thành phố Sơn La (ảnh:T/L). |
Đẩy mạnh phát triển đô thị tăng trưởng xanh
Sở Xây dựng Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 14CTr/TU ngày 01/11/2022 thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên địa bàn tỉnh Sơn La… Và hiện đang chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Theo đó, nhằm thực hiện các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo tiền đề cho công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch, tạo thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các đồ án quy hoạch xây dựng có tính chất quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia Mộc Châu và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; hoàn chỉnh đồng bộ 03 đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện.
Kết quả năm 2022, tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 68,5%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 93,52%; tỷ lệ chất rắn thải ở đô thị được thu gom đạt 91,3%; Tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt 82%; Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được xử lý đạt 57%.
Về công tác lập quy hoạch đô thị, tất cả các trung tâm huyện ly, tỉnh lỵ (12/12) đã có quy hoạch chung xây dựng đô thị được phê duyệt, đạt tỷ lệ 100%, đã hoàn thành 100% đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới 188/188 xã, trong đó lồng ghép các mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh.
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó nguồn vốn đầu tư công là đòn bẩy để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước. Tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả kết nối đô thị – nông thôn, đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, xử lý rác thải, nước thải đô thị. Xây dựng không gian công cộng đô thị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế và thi công công trình. Các công trình hạ tầng trọng yếu thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các công trình phòng chống thiên tai, công trình trữ nước ngọt, công trình chống ngập úng ở tại các đô thị đảm bảo tỷ lệ dân số nông thôn, đô thị được sử dụng nước sạch; đảm bảo số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn.
Bên cạnh đó, tỉnh đang đầu tư hạ tầng giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hoàn thiện, phục vụ mở rộng không gian phát triển đô thị, kết nối nội thành, trung tâm xã, chỉnh trang đô thị. Trong đó, ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ, kết nối giữa nội thành và ngoại thành, giữa các khu dân cư cũ và các khu dân cư mới, đô thị và nông thôn, đảm bảo tính liên hoàn, kết nối vùng và ngoại vùng với việc nâng cấp và xây dựng mới các trục giao thông chính…
Song song, tỉnh tập trung triển khai đầu tư các dự án cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải trọng điểm như: Dự án Nhà máy Chiềng Dong và các tuyến ống truyền tải nước sạch kết nối thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn; hệ thống cấp nước sinh hoạt khu trung tâm hành chính huyện Vân Hồ; dự án Nhà máy nước bản Mòng và các tuyến ống truyền tải thành phố Lạng Sơn; dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Sơn La.
Trong giai đoạn 2021 – 2022 thực hiện cung cấp nước sạch cho khoảng 46.000 hộ khách hàng; tổng sản lượng nước sạch sản xuất đạt khoảng 13 triệu m3, giá trị từ sản xuất nước sạch khoảng 140 tỷ đồng; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch duy trì dưới 12%. Tỷ lệ dân số thành thị được sử dụng nước sạch năm 2022 đạt 93,52%. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị qua xử lý trên địa bàn tỉnh hai năm 2021 – 2022 duy trì đạt 16,7%. Hệ thống thoát nước chung đô thị được đầu tư cơ bản đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thoát nước mưa, nước thải trong điều kiện bình thường…
Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Hà Ngọc Chung – Giám đốc Sở Xây dựng Sơn La cho biết, trong thời gian tới, để thực hiện công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị nói chung và phát triển đô thị tăng trưởng xanh nói riêng, Sở tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tại Quyết định số 42/QĐ-BXD ngày 19/1/2023 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Trong đó, bao gồm các nhiệm vụ về phát triển đô thị, phát triển nhà ở như: Trình ban hành Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi; xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; ban hành Nghị định hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị và nhà ở xã hội…
Theo đó, để đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, về phía Sở kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung quy định cho phép lập song song, đồng thời phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật để tích hợp các Đồ án quy hoạch; về việc bãi bỏ quy hoạch hết thời kỳ và các quy hoạch không có nguồn lực thực hiện; về việc cho phép lập dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp thiết trường hợp chưa kịp điều chỉnh quy hoạch cấp cao hơn khi có văn bản chấp thuận của cấp phê duyệt quy hoạch đó và được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch trong đợt điều chỉnh gần nhất.
Đồng thời, bổ sung quy định cho phép địa phương được sử dụng ngân sách để quyết định đầu tư hoặc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư một số hạng mục công trình trong dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc danh mục thu hút đầu tư; cho phép các địa phương sử dụng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiên tiến, hiện đại.
Nguồn: Báo xây dựng