Đông Anh (Hà Nội): Công ty TPS Việt có bất nhất trong trả lời báo chí?

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra tại trường học thời gian qua đã khiến hàng triệu phụ huynh có con đang tuổi đến trường lo lắng và bức xúc. Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là nhận diện đường đi của thực phẩm từ các đơn vị cung cấp đến bếp ăn học đường, là một biện pháp cần thiết và hữu hiệu để lấy lại niềm tin của phụ huynh, khẳng định sự minh bạch của doanh nghiệp và hỗ trợ cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả hơn.

Bất nhất trong việc trả lời báo chí…

Như đã thông tin trong bài viết “Có hay không sự gian dối phía sau bữa ăn bán trú của trẻ mầm non?” Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn nhận được thông tin về việc Công ty TNHH thương mại và sản xuất TPS Việt có địa chỉ tại thôn Du Ngoại, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội có dấu hiệu cung cấp thực phẩm ở chợ đầu mối Long Biên, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào các trường mầm non trên địa bàn huyện Đông Anh.

Xe thùng BKS 29H – 206.04 của công ty TPS Việt dừng tại điểm tập kết thực phẩm tại chợ Long Biên
Xe thùng BKS 29H – 206.04 của công ty TPS Việt dừng tại điểm tập kết thực phẩm tại chợ Long Biên

Sau khi bài viết được đăng tải, ngày 25/05/2023 bà Nguyễn Bảo Yến đại diện pháp luật của Công ty TNHH thương mại và sản xuất TPS Việt đã có buổi làm việc trực tiếp cùng đại diện toà soạn tại Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn với lí do thông tin trong bài viết là nhầm lẫn.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Bảo Yến giải thích về việc kho hàng tại thôn Du Ngoại, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh và xe thùng BKS 29H – 206.04 và 29C – 992.25 nêu trong bài viết “Có hay không sự gian dối phía sau bữa ăn bán trú của trẻ mầm non?” là Công ty TNHH thương mại và sản xuất TPS Việt thuê chung cùng một “cô hàng xóm”. Vậy nên là các thông tin nghi vấn về việc công ty của bà Yến lấy hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại chợ Long Biên đưa vào các trường mầm non tại Đông Anh là nhầm lẫn. Và những video, hình ảnh ghi nhận khi xe lấy hàng tại chợ Long Biên đó là của cô hàng xóm mà bà Yến nêu trên. Bà Yến khẳng định, công ty bà hoàn toàn nhập hàng ở những nơi có đầy đủ hồ sơ giấy tờ, có hoá đơn, ghi nhận từng ngày rõ ràng, chỉ có một số loại thực phẩm như lươn, tôm đồng, ngao là nhập ở chợ đầu mối Long Biên. Tuy nhiên khi yêu cầu được tiếp cận hồ sơ, hoá đơn, tin nhắn lấy hàng từ các đơn vị cung cấp cho Công ty để kiểm chứng thông tin trên thì phía bà Yến từ chối cung cấp.

Để khách quan hơn, phóng viên đã có buổi làm việc lần thứ 2 với bà Nguyễn Bảo Yến – đại diện Công ty TNHH thương mại và sản xuất TPS Việt, trả lời cho những nghi vấn của phóng viên về việc xe thùng BKS 29H – 206.04 hoặc xe thùng BKS 29C – 992.25 của Công ty TPS Việt có mặt chợ đầu mối Long Biên thu gom thực phẩm mang về kho của Công ty tại thôn Du Ngoại, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh. Sau một hồi quanh co giải thích thì bà Yến xác nhận rằng đó là xe và kho hàng của Công ty thuê chung cùng chị hàng xóm. Bà Yến khẳng định lại, việc những chiếc xe thùng nêu trên có mặt tại chợ Long Biên thu gom thực phẩm mang về kho tại thôn Du Ngoại, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh là của chị hàng xóm (chuyên cung cấp thực phẩm cho nhà hàng).

4h 24' sáng 28/04/2023 xe thùng BKS 29H - 206.04 sau khi lấy hàng tại chợ Long Biên tập kết về kho hàng tại thôn Du Ngoại, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh
4h 24′ sáng 28/04/2023 xe thùng BKS 29H – 206.04 sau khi lấy hàng tại chợ Long Biên tập kết về kho hàng tại thôn Du Ngoại, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh

Khi phóng viên đưa hình ảnh nhân viên mặc đồng phục của Công ty đang bốc vác các túi thực phẩm tại chợ Long Biên lên xe 29C – 992.25, bà Yến vội vàng giải thích rằng đó là nhân viên công ty chị làm thời vụ, bà Yến cũng không nắm rõ, có lẽ trùng hợp ngẫu nhiên mặc áo công ty và chắc là đi bốc vác hộ cô hàng xóm. Đặc biệt, sau khi phóng viên xác minh chủ phương tiện có BKS 29H – 206.04 và 29C – 992.25 đăng kí dưới tên chồng của bà Yến, thì bà Yến lại ậm ờ rằng chồng bà cũng đang làm vận chuyển hàng hóa. Việc bà làm công ty thực phẩm thuê xe chồng làm công ty vận tải là chuyện bình thường.  

Sự bất nhất trong những lời giải thích của bà Nguyễn Bảo Yến trong lần làm việc thứ nhất và thứ hai, càng làm dấy lên những nghi ngờ về nguồn gốc của các thực phẩm mà Công ty đang cung cấp cho nhiều trường học tại khu vực huyện Đông Anh. Việc trả lời quanh co, từ chối cung cấp các hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc các loại thực phẩm mà công ty đang nhập và bối rối khi trả lời về việc nhân viên mặc áo đồng phục Công ty TPS Việt bốc hàng lên xe có BKS đứng tên chồng của bà Nguyễn Bảo Yến (trước đó bà Yến nói rằng xe thuê chung cùng “chị hàng xóm”) không khỏi khiến dư luận đưa ra suy nghĩ: Liệu phía Công ty TPS Việt có đang “đánh lận con đen”?  

Hình ảnh nhân viên công ty TPS Việt bốc hàng trên xe thùng đứng tên ông Nguyễn Văn Quang ( chồng bà Yến) được ghi nhận vào 03h58' ngày 11/05/2023 tại chợ Long Biên
Hình ảnh nhân viên công ty TPS Việt bốc hàng trên xe thùng đứng tên ông Nguyễn Văn Quang ( chồng bà Yến) được ghi nhận vào 03h58′ ngày 11/05/2023 tại chợ Long Biên

Đừng để quá muộn…

Vẫn như mọi khi, sau các vụ ngộ độc là sự vào cuộc của ngành y tế, ngành giáo dục – đào tạo với sự tăng cường, kiểm tra, giám sát về chuyên môn đối với các cơ sở để xảy ra sự việc. Thậm chí, với vụ việc nghiêm trọng tại trường Ischool Nha Trang, cơ quan công an Khánh Hòa cũng đã tiến hành khởi tố vụ án vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự. Thế nhưng, các em học sinh vẫn có nguy cơ phải đối mặt với sự nguy hiểm luôn rình rập từ sự thiếu trách nhiệm của việc kiểm soát nguồn thực phẩm đưa vào môi trường học đường.

Điều mà các phụ huynh mong muốn là con em mình được cung cấp những bữa ăn chất lượng và an toàn chứ không mong chứng kiến các vụ ngộ độc xảy ra tại trường học, càng không mong chờ động thái quen thuộc “mất bò mới lo làm chuồng” của cơ quan chức năng hay chế tài xử lý pháp luật đối với các cơ sở vi phạm.

Theo Cục An toàn thực phẩm, việc khó kiểm soát chất lượng an toàn của nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể tại trường học là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học trong thời gian qua.

Đồng thời, việc cung cấp thực phẩm vào các trường mầm non phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, con người và các hoạt động kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và độ an toàn thực phẩm nhằm cung cấp các thực phẩm an toàn cho bữa ăn của trẻ em và học sinh tại các bếp ăn tập thể trong trường học trên địa bàn.

Được biết, Công ty TNHH thương mại và sản xuất TPS Việt hiện cung cấp thực phẩm cho nhiều trường mầm non tại khu vực huyện Đông Anh. Để thông tin về sự việc của Công ty TNHH thương mại và sản xuất TPS Việt được khách quan đa chiều, phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với  Phòng GD&DT huyện Đông Anh. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng chờ đợi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía cơ quan quản lý. Không biết sau khi nhận được thông tin từ báo chí, Phòng GD&DT huyện Đông Anh đã tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc?

Trước nội dung trên, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội và UBND huyện Đông Anh, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý dứt điểm sai phạm (nếu có) về việc Công ty TNHH thương mại và sản suất TPS Việt có cung cấp thực phẩm không rõ nguồn gốc vào các trường mầm non trên địa bàn huyện Đông Anh để luôn đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong học đường nói chung và môi trường mầm non nói riêng. Tránh để việc “mất bò mới lo làm chuồng” bởi việc này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sinh mạng của rất nhiều trẻ nhỏ.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích