Thực tiễn áp dụng Án lệ số 20/2018/AL trong xét xử tại tòa án hiện nay
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết và đang thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Để quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và đạt hiệu quả như mong muốn, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cực kỳ quan trọng. Vấn đề cải cách và xây dựng hệ thống pháp luật Nhà nước, không chỉ đòi hỏi cải cách quản lý hành chính nhà nước và xã hội bằng pháp luật mà còn đòi hỏi phải áp dụng pháp luật một cách thống nhất.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng văn bản pháp luật cẩn thận và kỹ lưỡng đến đâu thì cũng không thể dự đoán được hết những tình huống sẽ xảy ra trong tương lai. Hơn nữa, ngày càng có nhiều hành vi vi phạm pháp luật tinh vi, nhiều tình huống mà các nhà làm luật không lường trước được. Khi xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật hay tình huống mới thì việc cần phải làm là sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật để kịp thời điều chỉnh. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi phải qua trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật nên sẽ mất khoảng thời gian nhất định, vì thế vẫn còn tình trạng thiếu quy định của pháp luật để áp dụng vào trong xét xử tại Tòa án. Do vậy, Án lệ là nguồn bổ sung giúp cho quy định của pháp luật trở nên đầy đủ, đồng bộ và gắn liền với thực tiễn hơn bao giờ hết. Hơn nữa, khi xây dựng Án lệ, Tòa án góp phần vào việc hoàn thiện và phát triển luật trong tương lai. Ở mức độ nhất định, Án lệ vẫn được coi là nguồn luật và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật. Việc nghiên cứu về “Án lệ” là một trong những ưu tiên quan trọng của ngành tư pháp ở nước ta hiện nay và rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Việc tham gia hội nhập ký kết các hiệp định, hiệp ước song phương, đa phương của Việt Nam đã đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế trong đó đóng góp rất lớn cho việc tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập tất yếu sẽ xảy ra các vấn đề về quan hệ tranh chấp hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Bởi lẽ, khi hội nhập nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực mới được tiếp cận sẽ kéo theo việc người lao động và người sử dụng lao động sẽ tìm đến với nhau để giao kết hợp đồng lao động, thỏa mãn nhu cầu cho nhau. Thế nhưng, trong tiếng nói chung sẽ có những mâu thuẫn xung đột vì lợi ích của mỗi bên và điều đó nảy sinh ra vấn đề tranh chấp hợp đồng lao động giữa hai bên. Hợp đồng cũng là một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra tranh chấp hiện nay. Vì, trước khi giao kết hợp đồng lao động nhiều người sử dụng lao động và người lao động lựa chọn giao kết hợp đồng thử việc, hoặc thỏa thuận thêm nội dung thử việc vào hợp đồng lao động, tuy nhiên trong một số trường hợp, thỏa thuận của các bên không rõ ràng sẽ dẫn đến việc xảy ra tranh chấp giữa các bên và khi xảy ra tranh chấp thì một hai bên sẽ thực hiện thủ tục khởi kiện tại Tòa án mà không cần phải qua thủ tục hòa giải tại cơ sở.
Thử việc, về bản chất là sự thỏa thuận tự nguyện của hai bên. Đây là quá trình các bên làm thử trong một thời gian nhất định nhằm đánh giá năng lực, trình độ, ý thức, điều kiện lao động, điều kiện sử dụng lao động… trước khi quyết định ký kết hợp đồng lao động chính thức. Khi tham gia vào quan hệ lao động, thì đối tượng người lao động hay người thử việc là người bị yếu thế trong vấn đề ký kết hợp đồng lao động – đối tượng dễ bị sa thải. Theo nguyên tắc của các nhà làm luật, luật được xây dựng nhằm bảo vệ người yếu thế. Bộ Luật lao động năm 2019 (Luật hiện hành) đã ra đời để thay thế Bộ luật lao động 2012 là một tiến bộ của xã hội trong thời kỳ hội nhập sâu, rộng với thế giới ở Việt Nam hiện nay.
Trải qua 04 năm thực hiện Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Án lệ đã dần đi vào đời sống pháp lý của Việt Nam, đóng một vai trò không thể thiếu trong hoạt động xét xử của Tòa án – giúp TAND kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử. Việc các Án lệ được công bố đã góp phần khắc phục được các khiếm khuyết của pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án.
Về số lượng, kể từ khi Nghị quyết số 03/2015 ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng Án lệ có hiệu lực cho đến nay đã có 63 bản án, quyết định được lựa chọn, phát triển thành Án lệ và được công bố. Tính trong khoảng thời gian từ ngày 15/7/2019 (ngày Nghị quyết số 04/2019 có hiệu lực) đến ngày 6/9/2022, chỉ có 29 bản án, quyết định được lựa chọn, phát triển thành Án lệ. Tính theo năm, hàng năm, TAND tối cao tuyển chọn, công bố Án lệ. Cụ thể như sau:
Thống kê 63 Án lệ trong năm 2023 ((Nguồn: Trang thông tin điện tử về Án lệ, TANDTC)
Hiện nay với số lượng Án lệ tính tại thời điểm hiện tại là 63 Án lệ thì việc gia tăng số lượng Án lệ của TAND tối cao qua “ngần ấy” năm chưa thật sự tương ứng với tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Có thể nói, tốc độ xây dựng Án lệ rất thấp. Theo số liệu của TAND tối cao thống kê đến ngày 12/4/2021, cả nước đã có 1.021 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng Án lệ. Đối với TAND cấp tỉnh có viện dẫn Án lệ trong xét xử các vụ án là 234 bản án, quyết định. Các số liệu thống kê nêu trên minh chứng rằng Án lệ không còn mang tính lý luận nữa mà đã thực sự đi vào đời sống pháp lý thông qua các vụ án cụ thể. Mặc dù số lượng các bản án, quyết định của hai cấp Tòa án có áp dụng Án lệ chưa nhiều xong việc Án lệ được chính thức thừa nhận là một nguồn luật bổ trợ, có tính chất tham khảo giúp các Thẩm phán áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, đảm bảo các vụ án có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau được xét xử như nhau, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Theo số liệu của TAND tối cao thống kê đến ngày 31/12/2022, cả nước đã có 3.853 bản án, quyết định về lĩnh vực lao động của các Tòa án và trong số các bản án, quyết định thì chỉ có 05 bản án lao động đã được áp dụng Án lệ 20/2018/AL về loại vụ án lao động về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
TAND có áp dụng Án lệ số 20/2018/AL về tranh chấp Hợp đồng lao động thử việc vào hoạt động xét xử (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/05-ban-an-ap-dung-an-le-202018al-ve-xac-lap-quan-he-hop-dong-lao-dong-sau-khi-het-thoi-gian-thu-viec-7541)
Đơn cử việc áp dụng Án lệ số 20/2018/AL vào hoạt động xét xử tại Tòa án trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau: Bản án 14/2020/LĐ-ST ngày 30/09/2020 về tranh chấp trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của TAND quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, tại bản án nêu trên (Bản Án số 14/2020/LĐ-ST về tranh chấp trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của TAND quận Gò Vấp là cơ quan xem xét đưa án lệ vào giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động thử việc. Trong hoạt động xét xử, Tòa án có áp dụng Án lệ số 20/2018/AL; đối với bản án sơ thẩm thì Tòa đã thấy được một số tình tiết khá tương đồng với Án lệ, là cơ sở cho việc áp dụng Án lệ vào hoạt động xét xử. Việc áp dụng Án lệ tại bản án số 14/2020/LĐ-ST của thẩm phán được “viện dẫn” trong phần nhận định, khi mà các tình tiết của vụ án (Thư mời làm việc, không ký hợp đồng lao động) và nội dung Án lệ là có sự tương đồng, điều đó là cơ sở Thẩm phán xác định quan hệ lao động giữa các bên là quan hệ hợp đồng lao động. Mặc dù án lệ 20 ít được các Toà án áp dụng, nhưng qua Bản án tại Toà án nhân dân quận Gò Vấp (cấp sơ thẩm) cho thấy việc áp dụng Án lệ là rất cần thiết vì giúp giảm thời gian công sức điều tra xét xử, án phí và lệ phí cho nguyên đơn và bị đơn… Việc áp dụng Án lệ thể hiện sự hạn chế khi vẫn còn nhiều thẩm phán do nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên ngại đưa Án lệ số 20 vào trong hoạt động xét xử tại Toà án.
Do đó, việc áp dụng án lệ hiện nay cần được Đảng và Nhà nước chỉ đạo cơ quan Toà án quan tâm nhiều hơn trong vận dụng án lệ vào hoạt động xét xử tại toà án hiện nay.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Luật lao động năm 2019;
- Luật tổ chức Tòa án năm 2014;
- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/205 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;
- Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng Án lệ;
- Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng Án lệ.
*TS. Hồ Đức Hiệp và Lê Hoàng Nam; Nguyễn Đức Bảo Duy; Nguyễn Ngọc Minh Thuận – Sinh viên lớp Luật 2005LHOK, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM
Nguồn: hoanhap.vn