Cho vay mua nhà ở xã hội: Người dân, doanh nghiệp mong đừng thu hẹp cửa

Anh Nguyễn Văn Bình (quê Thanh Hóa) cùng vợ lên Hà Nội thuê trọ, sinh sống 7 năm nay, mơ ước có một căn nhà nhỏ ở Hà Nội luôn cháy bỏng bấy lâu. Làm việc ở công ty tư nhân, vợ chồng anh có thu nhập ổn định, có một khoản tiền tiết kiệm gần 400 triệu đồng và đã “nhắm” đến một dự án nhà ở xã hội chuẩn bị nhận hồ sơ ở quận Long Biên.

Anh Bình cũng đã tìm hiểu thủ tục vay vốn ưu đãi từ người bạn của mình đã mua tại một dự án nhà ở xã hội ở khu vực quận Hoàng Mai cách đây mấy năm. Theo đó, người bạn của anh đã vay được 70% giá trị căn hộ.

Thế nhưng mới đây, anh Bình nghe có thông tin về đề xuất loại bỏ nhóm khách hàng vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội khỏi danh sách đối tượng được vay ưu đãi tại ngân hàng thương mại, chỉ có thể vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội khiến anh vô cùng lo lắng. Bởi theo anh, nếu đề xuất này thành hiện thực thì có nghĩa ‘cửa’ vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội của vợ chồng anh đã trở nên hẹp hơn, điều này khiến ước mơ có nhà của gia đình anh lại càng thêm xa.

Người thu nhập thấp lo lắng trước đề xuất không được vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội tại ngân hàng thương mại mà chỉ được vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội
Người thu nhập thấp lo lắng trước đề xuất không được vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội tại ngân hàng thương mại mà chỉ được vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: Minh Thư)

Chia sẻ quan điểm với PV, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) – chủ đầu tư từng xây dựng dự án nhà ở xã hội và cũng bị tác động trực tiếp ở đầu ra khi chính sách vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà xã hội kết thúc vào năm 2016 cho hay: Việc hỗ trợ khách hàng là người mua nhà ở xã hội là những người có thu nhập thấp nên tổ chức rộng rãi, mở rộng các ngân hàng cho người dân vay.

Theo ông Giang, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã làm rất tốt, rất có kinh nghiệm trong việc cho vay, thẩm định khách hàng từ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây nên thủ tục giải quyết cho người dân sẽ nhanh hơn.

“Khi có nhiều ngân hàng tham gia cho vay vốn ưu đãi thì việc tiếp cận vay vốn của người mua nhà sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Còn tại Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ngay ở giai đoạn trước tôi thấy thủ tục giấy tờ rất nhiều, phức tạp; hơn nữa bản chất của ngân hàng chính sách thì thường cho vay ở nhiều hạng mục khác, ít cho vay mua nhà nên có thể thủ tục sẽ khó khăn hơn cho người vay, thời gian có thể chậm hơn.

Nếu thu hẹp cửa cho vay ưu đãi thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người mua, điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội”, ông Giang nói.

Từ góc độ chủ đầu tư, CEO Hải Phát Land mong muốn sẽ có chính sách rộng cửa hơn, mở rộng ngân hàng cho khách hàng vay mua nhà ở xã hội, bởi các đối tượng đã mua nhà ở xã hội là những người có thu nhập thấp thì chính sách tín dụng cho người mua nhà là rất quan trọng, từ việc tiếp cận vay đến lãi suất ưu đãi. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội bền vững khi nguồn cung đang thiếu.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đề xuất “loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội” của Ngân hàng Nhà nước là không phù hợp với chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng cũng cần phải sửa đổi, bổ sung khoản 4, điều 50 Luật Nhà ở để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các điều khoản khác của Luật Nhà ở 2014.

Ông Châu cho hay: “Hiệp hội đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014 và nhận thấy Luật Nhà ở 2014 không hề cấm cho vay ưu đãi đối với các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 điều 49 Luật Nhà ở 2014 để mua, thuê mua nhà ở xã hội”.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9/12/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Theo đó, khách hàng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Chỉ người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội mới nhận được hỗ trợ.

Ngân hàng Nhà nước giải thích, việc thay đổi nhằm áp dụng đúng quy định về vấn đề này. Thực tế, chính sách hỗ trợ vay vốn cho nhà ở xã hội được quy định tại 3 văn bản pháp luật gồm: Luật Nhà ở, Nghị định 100 và Nghị định 49 về phát triển, quản lý nhà ở xã hội nhưng không có sự thống nhất.

Trong đó, Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; còn các ngân hàng thương mại được chỉ định – chỉ hỗ trợ khách vay để xây mới, cải tạo, sửa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Nghị định 100 và Nghị định 49 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 100) về phát triển, quản lý nhà ở xã hội lại quy định ngân hàng thương mại được chỉ định cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Ngân hàng Nhà nước dẫn quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật “trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Theo quy định này thì áp dụng theo Luật Nhà ở. Tức là các ngân hàng thương mại chỉ hỗ trợ vay xây mới, cải tạo, sửa nhà để ở. Còn nếu muốn vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội, người vay cần tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích