Đà Nẵng sẽ tái chế 100% chất thải nguy hại từ nhà máy công nghiệp
Đà Nẵng sẽ tái chế 100% chất thải nguy hại từ nhà máy công nghiệp
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% chất thải nguy hại từ nhà máy công nghiệp được tái chế, tái sử dụng và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Đề án Bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án đưa ra lộ trình và các ưu tiên thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường của ngành Công Thương, tập trung vào các nội dung: cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường; ngăn ngừa, kiểm soát các nguồn thải, hạn chế các rủi ro, sự cố môi trường; xử lý các vấn đề môi trường cấp bách trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; nhận diện các vấn đề môi trường trong giai đoạn tới và phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Cụ thể, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% chất thải nguy hại từ nhà máy công nghiệp được tái chế, tái sử dụng và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đồng thời, giảm phát thải nhà kính từ năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo từ 1-2%/năm.
Bảo đảm 90% các chợ trên địa bàn thực hiện phân loại và thu gom chất thải rắn; 80% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường; 80% các trung tâm thương mại, siêu thị lớn và 60% chợ có sử dụng bao bì thân thiện môi trường.
Để thực hiện đề án này, Đà Nẵng sẽ rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ngành công thương; phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường; đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy thí điểm các mô hình công nghiệp xanh trong ngành công nghiệp.
Hiện, UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở Công Thương thực hiện các thủ tục lập hồ sơ mời thầu, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức thực hiện lựa chọn tư vấn và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định. Đồng thời chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng đề án theo chức năng nhiệm vụ được giao và thực hiện thanh, quyết toán kinh phí đúng theo quy định hiện hành.
Trước đó, Đà Nẵng cũng quyết định dành gần 700 triệu đồng xây dựng Đề án bảo vệ môi trường ngành Công Thương. Để có cơ sở xây dựng đề án, các cơ quan chức năng đã thực hiện khảo sát các hoạt động công nghiệp trên địa bàn, bao gồm công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, các khu – cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, làng nghề, các cơ sở sản xuất trong các khu này và các hoạt động thương mại. Đồng thời đánh giá, dự báo tình hình ô nhiễm môi trường của ngành giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, gắn với quy hoạch phát triển ngành Công Thương của thành phố giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2030.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị