Australia phát triển túi trồng cây phân hủy sinh học

Australia phát triển túi trồng cây phân hủy sinh học

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Queensland của Australia đang phát triển một loại túi phân hủy sinh học thế hệ mới trong ngành trồng trọt, hướng tới mục tiêu giảm tối đa rác thải nhựa

Vừa qua, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Queensland của Australia cho biết họ đang hợp tác cùng người trồng nấm để phát triển một loại túi phân hủy sinh học thế hệ mới trong ngành trồng trọt, hướng tới mục tiêu giảm tối đa rác thải nhựa.

Trưởng nhóm nghiên cứu – bà Nasim Amiralian – cho biết: “Túi trồng cây được sử dụng rộng rãi trong ngành nuôi trồng nấm, nhưng hầu hết các túi này được làm từ vật liệu không thể phân hủy sinh học, chỉ có thể đốt hoặc chuyển tới bãi rác. Điều này làm tăng thêm hơn 80.000 tấn chất thải nhựa do nông nghiệp Australia tạo ra mỗi năm”.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Theo bà Amiralian, các bên liên quan đang triển khai một dự án kéo dài 12 tháng, nhằm thiết kế một túi trồng nấm có thể cung cấp các điều kiện phát triển tối ưu và cũng có thể phân hủy trong đất.

Bà nêu rõ: “Các loại nhựa phân hủy sinh học hiện nay được làm từ tinh bột ngô, tinh bột khoai tây hoặc sợi nấm thường giòn và thiếu tính toàn vẹn lâu dài. Nhưng sử dụng sợi từ chất thải nông nghiệp như mía lại là một giải pháp hợp lý, chất lượng cao và bền vững để đảm bảo túi trồng cây này có thể chịu được nhiệt độ và độ ẩm cao”.

Dự án túi trồng cây thế hệ mới này được hy vọng có thể đặt nền móng cho công nghệ được áp dụng trong nông nghiệp, sản xuất, nghiền bột và đóng gói, sau đó “sẽ được phát triển và nhân rộng sang thị trường đóng gói và nuôi trồng nấm toàn cầu”.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích