Truy xuất nguồn gốc: Yếu tố cạnh tranh quan trọng cho sự tồn tại và phát triển sản phẩm OCOP
Hàng giả, hàng nhái với chất lượng không đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng đang là nỗi lo của hàng triệu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, theo xu thế phát triển, người tiêu dùng đang đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ lợi ích và sức khỏe của bản thân.
Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu cũng đòi hỏi phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt sản phẩm OCOP càng cần phải có truy xuất nguồn gốc.
Nhận thức rõ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hàng hóa nông sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Theo đó, các cơ quan chức năng đã triển khai áp dụng và phổ biến những tiêu chuẩn Quốc gia, quy chuẩn Quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các giải pháp, công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Triển khai thực hiện các quy định đối với sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Hướng dẫn các doanh nghiệp, Hợp tác xã về quy trình thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Có thể khẳng định, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính là yếu tố cạnh tranh quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của các sản phẩm hàng hóa. Tem truy xuất nguồn gốc dưới dạng QR-Code giúp doanh nghiệp sản xuất bảo vệ và khẳng định chất lượng sản phẩm của mình.
Truy xuất nguồn gốc: Yếu tố cạnh tranh quan trọng cho sự tồn tại và phát triển các sản phẩm OCOP. Ảnh minh họa
Điển hình, tính đến nay tỉnh Quảng Ninh đang có 334 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao cùng nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng.
Thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, tem QR code giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và tra cứu thông tin sản phẩm nhanh chóng, thuận tiện. Đặc biệt, tem truy xuất nguồn gốc có thiết kế đặc biệt, chỉ sử dụng một lần trên một sản phẩm. Do đó, có thể tránh được việc bóc gỡ tem trên sản phẩm chính hãng dán vào sản phẩm kém chất lượng. Bởi vậy, việc dán tem truy xuất nguồn gốc luôn được doanh nghiệp chú trọng thực hiện.
Nhằm phát triển mạnh giải pháp dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc, các cấp, các ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, như: Hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; hỗ trợ nông dân sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu nông sản, xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận một số đặc sản của địa phương…
Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản”. Qua đó, đã có gần 100 cơ sở với gần 400 sản phẩm sử dụng mã QR thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc.
Các sản phẩm được lựa chọn áp dụng dán tem QR code là những sản phẩm được sản xuất, kinh doanh do cơ sở được kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, được chứng nhận VietGAP, HACCP, sản phẩm OCOP đáp ứng quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn, mác hàng hóa và truy xuất nguồn gốc…
Để việc truy xuất hàng hóa được thực hiện đồng bộ, Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về hoạt động truy xuất nguồn gốc; xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc tại địa phương; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, nhằm đảm bảo nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong nước và quốc tế.
Một địa phươnh khác là Ninh Thuận, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã làm tốt việc xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với dán tem truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, khi mua một trái thanh long người tiêu dùng sẽ truy xuất được thông tin theo chuỗi như trái thanh long này được sản xuất từ lô nào, do đơn vị nào sản xuất, bón phân gì, sử dụng thuốc gì, vào thời điểm nào, do đơn vị nào sản xuất, có giấy chứng nhận gì… hay những thông tin giao dịch về ngày thu hoạch, sản xuất, đóng gói, hạn sử dụng… Tất cả đều được ghi nhật ký theo thời gian thực, ngày giờ với con số rõ ràng.
Tiếp đến toàn tỉnh Trà Vinh đã có 184 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP. Trong đó, 09 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 38 sản phẩm 4 sao, 137 sản phẩm 3 sao; của 118 chủ thể: 72 hộ kinh doanh, 20 công ty, 05 doanh nghiệp (DN), 19 hợp tác xã (HTX) và 02 tổ hợp tác.
Với kết quả đạt được và trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng, nhất là nguồn nguyên liệu, qua đăng ký từ các địa phương, Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh (Ban Chỉ đạo) đề ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2023, toàn tỉnh có thêm 114 sản phẩm OCOP – đây là thách thức không nhỏ.
Thực tế cho thấy, việc dán tem QR-Code giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm nguồn gốc cho người tiêu dùng. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc, tem QR lên sản phẩm giúp doanh nghiệp khẳng định sản phẩm của mình đối với khách hàng và không xảy ra hiện tượng làm giả, nhái hàng hóa. Đồng thời, thông qua tem truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp khi có nhu cầu hoặc phản ánh về chất lượng sản phẩm, giúp tăng tính cạnh tranh, kích thích người tiêu dùng mua hàng, là nền tảng xuất khẩu hàng hóa đi quốc tế, bảo vệ cộng đồng, tẩy chay hàng giả, hàng nhái khỏi thị trường.
An Dương (T/h)