Nâng cao nhận thức về so sánh liên phòng và chất chuẩn
Tham dự chương trình có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Trung tâm thuộc Tổng cục.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường cho hay, so sánh liên phòng (SSLP) hiện nay được thực hiện theo các tiêu chí theo TCVN ISO/IEC 17025:2017, trong đó các bộ tiêu chí về SSLP để nhằm nâng cao năng lực thực nghiệm của các phòng thí nghiệm và đồng thời, ở mức quốc tế, Ủy ban CIPM có một số văn bản hướng dẫn thực hiện SSLP, thứ nhất là văn bản CIPM MRA-D-05 quy định trực tiếp về so sánh liên phòng, thứ hai là văn bản CIPM MRA-G-11.
Năm 2022, trong khuôn khổ Đề án 996/QĐ-TTg về tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục TCĐLCL đã thực hiện SSLP đối với 3 lĩnh vực là điện, áp suất và dung tích.
Cũng theo ông Giầu đối với chất chuẩn được định nghĩa và thể hiện ở Luật Đo lường, Thông tư 24/2013/TT-BKHCN, ở quốc tế được thể hiện trong văn bản OIML D 18:2008 và tiêu chuẩn TCVN ISO 17034:2017.
Trong khuôn khổ Đề án 996 hướng đến mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu xây dựng và phát triển 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo và đến năm 2030 phấn đấu 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo.
Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục phụ trách Tổng cục TCĐLCL phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng phòng, Phòng Đo lường Hóa lý – Mẫu chuẩn, Viện Đo lường Việt Nam cho biết, chất chuẩn được định nghĩa là vật liệu, đủ đồng nhất và ổn định với các đặc tính qui định, được thiết lập phù hợp với việc sử dụng trong phép đo hoặc kiểm tra các đặc tính danh nghĩa. Bên cạnh đó, chất chuẩn được chứng nhận là chất chuẩn có kèm theo giấy chứng nhận được công bố bởi cơ quan có thẩm quyền và cung cấp một hay một số giá trị đặc tính xác định với độ không đảm bảo, tính liên kết chuẩn kèm theo và các thủ tục sử dụng phải còn hiệu lực. Về vai trò của chất chuẩn, có giá trị chứng nhận và độ KĐBĐ, liên kết chuẩn đến đơn vị quốc tế SI và kiểm soát chất lượng, thẩm định phương pháp, hiệu chuẩn thiết bị.
Trên thế giới, tại Hàn Quốc có khoảng 530 chất chuẩn (bao gồm các chất chuẩn tinh khiết, các dung dịch chuẩn, các khí chuẩn và các chất chuẩn trên các loại nền khác nhau) & 529 CMC. Chất chuẩn về môi trường và thực phẩm chiếm ~ 90% tổng số CRMs. Tại Trung Quốc có khoảng 2300 chất chuẩn (bao gồm các chất chuẩn tinh khiết, các dung dịch chuẩn, các khí chuẩn và các chất chuẩn trên các loại nền khác nhau) & 1061 CMC. Tại Thái Lan có khoảng 150 chất chuẩn (bao gồm các chất chuẩn tinh khiết, các dung dịch chuẩn, các khí chuẩn và các chất chuẩn trên các loại nền khác nhau) & 109 CMC. Chất chuẩn về môi trường và thực phẩm chiếm ~ 95% tổng số CRMs.
Cũng theo ông Tuấn, tại Viện Đo lường Việt Nam đã có khả năng tự chủ trong nghiên cứu, chế tạo nhiều loại chất chuẩn phục vụ trong công tác đo lường Hóa học. Về thuận lợi, trang thiết bị được đầu tư cơ bản, nhân lực được đào tạo chuyên sâu tại các Viện Đo lường, hợp tác quốc tế phát triển mạnh, thuận lợi trong việc phối hợp chế tạo chất chuẩn, hoặc chuyển giao công nghệ, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, chế tạo chất chuẩn. Về khó khăn, trang thiết bị được đầu tư còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là các trang thiết bị phục vụ việc chế tạo chất chuẩn; Tham gia các chương trình so sánh quốc tế; Thương mại hóa các sản phẩm của các đề tài nghiên cứu; Kinh phí triển khai.
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Nguyễn Nam Thắng – Phó trưởng phòng, Phòng Đo lường Áp suất, Viện Đo lường Việt Nam bày tỏ về hoạt động SSLP về chuẩn đo lường, mục đích của SSLP là đánh giá năng lực thực tế của tổ chức đơn vị duy trì PTN theo ISO/IEC 17025; Đánh giá năng lực thực tế của tổ chức đơn vị xin đăng ký, chỉ định (NEW); Nâng cao tính đúng đắn của kết quả hiệu chuẩn; Bằng chứng hỗ trợ cho việc công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả đo lường.
Ông Thắng cũng cho biết, thêm hoạt động SSLP về chuẩn đo lường trong nước, Viện Đo lường đã tham gia các một số so sánh quốc tế nhưng chưa nhiều, chưa phủ được nhiều các đại lượng đo, phạm vi đo và độ chính xác khác nhau. Bên cạnh đó, Viện Đo lường cũng chưa thực hiện nhiều các SSLP với các đơn vị có năng lực tốt như Quatest 1,2,3 và các Trung tâm đo lường, Trung tâm kiểm định… của các Bộ, Ngành…Ngoài ra, các đơn vị có năng lực của Tổng cụ chưa có kế hoạch triển khai rộng rãi, bài bản các chương trình SSLP đến các doanh nghiệp.
Đồng thời, việc thực hiện hoạt động SSLP các phép hiệu chuẩn của các doanh nghiệp mang tính tự phát, không do đơn vị có năng lực tổ chức, chưa tạo được chuỗi so sánh từ cao đến thấp, chưa được cơ quan quản lý cấp mã số làm cơ sở công nhận kết quả so sánh; Hiện đang lấy ý kiến văn bản hướng dẫn về triển khai hoạt động SSLP; Một số đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ hiệu chuẩn chưa quan tâm đến hoạt động này.
Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường.
Về định hướng của Tổng cục trong thời gian tới, xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn cho hoạt động SSLP phục vụ công tác QLNN về đo lường; Nghiên cứu cơ chế đảm bảo hoạt động so sánh liên phòng về đo lường được thực hiện thường xuyên liên tục và làm cơ sở nâng cao năng lực khả năng đo hiệu chuẩn, kiểm định của các tổ chức tham gia dịch vụ về đo lường; Nâng cao khả năng đo hiệu chuẩn với mục tiêu được thừa nhận quốc tế nhiều phép hiệu chuẩn hơn nữa để nâng cao cấu phần về đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam; Tuyên truyền, quảng bá để các tổ chức, doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của SSLP, từ đó chủ động tham gia hoạt động này.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết, chúng ta cần phấn đấu xây dựng và phát triển chất chuẩn trong thời gian tới, bên cạnh đó, nghiên cứu, xem xét để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường, đồng thời nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của chất chuẩn và so sánh liên phòng.
Hội thảo diễn ra sôi nổi với phần thảo luận giải đáp những vướng mắc, khó khăn giữa Vụ, Viện Đo lường với các đơn vị thuộc Tổng cục.
Hà My