New Zealand sản xuất năng lượng và phân bón từ rác thải thực phẩm

New Zealand sản xuất năng lượng và phân bón từ rác thải thực phẩm

Rác thải hữu cơ từ các thực phẩm, nếu biết tận dụng tốt thì không chỉ tránh được việc đổ ra bãi rác mà còn có thể góp phần tạo năng lượng và các chế phẩm quan trọng, hữu ích trong cuộc sống. Đây là điều mà công ty Ecogas đang làm tại New Zealand

Tại New Zealand, rác thải là thực phẩm thường chiếm 1 nửa lượng rác thải của các hộ gia đình và thải ra khoảng 4% lượng khí thải nhà kính. Tại thành phố Auckland, mỗi năm người dân ở đây thải ra khoảng 100.000 tấn thực phẩm thừa ra các bãi rác. Việc mang rác thải từ thực phẩm ra các bãi rác không chỉ góp phần làm tăng thêm lượng khí nhà kính thải vào khí quyển mà còn làm lãng phí các chất dinh dưỡng còn sót lại trong các thực phẩm này.

tm-img-alt
Nhà máy của Ecogas Reoproa. Ảnh: Christel Yardley.

Để khắc phục điều này, nhà máy Ecogas tại thành phố Auckland của New Zealand đã xây dựng được mô hình thu gom rác thải từ thực phẩm sau đó đưa qua một quy trình xử lý để có thể tạo ra phân bón và sản xuất năng lượng từ loại rác thải này. Bằng cách này, vừa hạn chế được lượng khí nhà kính thải ra từ các bãi rác, vừa tận dụng được nguồn dinh dưỡng còn lại trong thực phẩm.

Bà Parul Sood, Tổng giám đốc xử lý rác thải thuộc Hội đồng thành phố Auckland cho biết vì rác từ thực phẩm có thể tạo ra năng lượng và các chế phẩm khác nên không nên lãng phí: “Nếu bạn thu gom rác từ thực phẩm và xử lý chúng một cách hợp lý thì có thể mang về những lợi ích. Và bạn có thể tạo ra những sản phẩm khác từ nó. Vậy tạo sao lại mang chúng đổ ra bãi rác? Việc làm này cũng góp phần tạo ra khí nhà kính”.

Mô hình xử lý rác thải có nhiều ưu điểm về môi trường và kinh tế đã đưa Ecogas trở thành đối tác của thành phố Auckland trong vấn đề này với hợp đồng có thời hạn 20 năm.

Bắt đầu từ tháng 4/2023, hội đồng thành phố Auckland đã triển khai việc cung cấp thùng rác có dung tích 23 lít cho các hộ gia đình để thu gom riêng rác thải thực phẩm. Rác thải sau khi được thu gom từ các hộ gia đình, nhà hàng, siêu thị…sẽ được chuyển đến nhà máy của Ecogas để loại bỏ các thành phần không phải là hữu cơ và chuyển các thành phần hữu cơ vào khu vực xử lý. Nhà máy Ecogas sẽ cho phân hủy các thành phần hữu cơ có trong rác thải và quá trình này sẽ tạo ra khí mê-tan và CO2. Khí mê-tan có thể sử dụng như một dạng năng lượng để tạo ra điện hay để sưởi ấm. Còn khí CO2 được sử dụng làm “phân bón khí quyển” cho nhà kính trồng cà chua ở ngay bên cạnh. Phần còn lại của rác thải sinh hoạt, nơi có chứa nhiều nguồn chất dinh dưỡng sẽ được sử dụng làm phân bón.

tm-img-alt
Rau khi loại bỏ các thành phần không phải là hữu cơ, rác thải thực phẩm được chuyển vào chu trình phân hủy. Nguồn Christel Yardley.

Ecogas không còn là dự án thử nghiệm mà đã được triển khai trên quy mô rộng, nơi có thể xử lý 70.000 tấn rác thải từ thực phẩm mỗi năm. Bà Alzbeta Bouskova, Giám đốc nhà máy Eco Gas cho biết, Ecogas đang được coi là một ví dụ điển hình cho nền kinh tế tuần hoàn carbon thấp tại New Zealand: “Bằng cách chuyển hóa rác thải hữu cơ, chúng tôi làm giảm lượng khí thải nhà kính được thải ra từ các bãi rác. Mặc dù hiện tại một số bãi rác sử dụng công nghệ tiên tiến ở trong nước đã có thể thu lại một lượng khí mê-tan đáng kể song nó không hiệu quả bằng phương pháp của chúng tôi. Nếu rác thải thực phẩm được đổ ra các bãi rác sẽ bị phân hủy và quá trình này tạo ra khí CO2 và khí mê-tan. Nếu các khí này không được thu lại thì các khí này sẽ đi vào khí quyển trở thành khí nhà kính”.

Ngoài thành phố Auckland, hiện Ecogas cũng đang làm việc với các hội đồng thành phố Taranaki và Canterbury có thể thiết lập những nhà máy xử lý rác thải tương tự ở các khu vực này nhằm mở rộng mô hình và giảm bớt lượng rác thải từ thực phẩm ra môi trường.

Công nghệ của Ecogas không phải là đột phá song việc quyết tâm xây dựng các chu trình tối ưu nhất và sự hợp tác với các chính quyền địa địa phương của Ecogas là một bằng chứng cho thấy đây là những yếu tố cần thiết để đưa các công nghệ xanh vào ứng dụng và từng bước đưa nền kinh tế chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn carbon phát thải thấp./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích