Kiểm tra đột xuất về chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong các trường hợp nào?

 Mặt hàng xăng dầu thuộc hàng hóa nhóm 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Ảnh minh họa.

Hiện nay, việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ đang diễn ra và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị liên quan…

Về đối tượng kiểm tra, dự thảo Thông tư nêu rõ, đó là sản phẩm trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công  nghệ quy định tại điểm p Khoản 2 Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường trừ lò phản ứng hạt nhân, vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chất phóng xạ, thiết bị bức xạ.

Về hình thức kiểm tra, trước tiên là kiểm tra theo kế hoạch gồm: Xây dựng kế hoạch kiểm tra: Hàng năm, cơ quan kiểm tra căn cứ yêu cầu quản lý, diễn biến tình hình chất lượng sản phẩm hàng hóa, đánh giá tình hình tuân thủ quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; kết quả kiểm tra kỳ trước; tình hình kinh phí và chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên để xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Thời gian hoàn thành xây dựng kế hoạch kiểm tra hằng năm trước ngày 01 tháng 11.

Trước khi tiến hành kiểm tra theo kế hoạch, cơ quan kiểm tra thông báo trước cho cơ sở sản xuất sản phẩm, hàng hóa ít nhất 03 ngày làm việc.

Thứ hai là kiểm tra đột xuất. Cơ quan kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất tiến hành kiểm tra đột xuất trong các trường hợp sau: Khi có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa; chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường; thông tin từ hoạt động khảo sát, kiểm tra và yêu cầu quản lý, chỉ đạo của cơ quan cấp trên; Khi có thông tin, cảnh báo dưới mọi hình thức của tổ  chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các tổ chức quốc tế liên quan đến chất lượng. 

Cơ quan kiểm tra không phải thông báo trước việc kiểm tra cho cơ sở sản xuất sản phẩm, hàng hóa.

Thứ ba là kiểm tra theo hình thức báo cáo (tùy tình hình thực tế hoặc theo yêu cầu quản lý). Trong đó, cơ quan kiểm tra gửi công văn đến cơ sở được kiểm tra yêu cầu báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến sản phẩm hàng hóa do cơ sở đang sản xuất. Trình tự thủ tục kiểm tra và xử lý vi phạm theo Điều 9, Điều 10 của Thông tư này.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích