Bài 2: Cảnh giác “sập bẫy” các công ty tư vấn du học

Không ít phụ huynh, học sinh đã “sập bẫy” chứng chỉ PTE giả và các chiêu trò tinh vi

Số lượng học viên và người dân có nhu cầu đi du học và định cư Úc theo nhiều diện ngày càng tăng cao sau khi Chính phủ Australia(Úc) mở cửa và có những chính sách ưu đãi. Đối với diện tự túc, học viên cần có tiềm lực kinh tế lớn, đây là “miếng bánh ngon” của các công ty tư vấn du học và xuất khẩu lao động.

Bằng những lời quảng cáo hoa mỹ, các trung tâm kém chất lượng đã “giăng bẫy” phụ huynh, học viên một cách tinh vi. Anh V.Q.T và T.N ( Hải Phòng) chia sẻ: “Trong khi chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ và nộp Đại sứ quán Úc, tôi vẫn đinh ninh chờ đến ngày mình nhận Visa là bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng niềm hy vọng và cánh cửa tương lai dường như đã đóng lại với tôi, vì sau khi nhận được mail từ Đại sứ quán Úc từ chối do có nghi ngờ về chứng chỉ tiếng anh PTE của tôi là giả. Và tôi phải giải trình về việc đó với Đại sứ quán Úc. Tôi hoang mang vô cùng và cảm thấy rất sốc.”

Anh T và N bộc bạch: “Vào thời điểm chúng tôi có ý định đi sang Úc làm việc thì cũng là thời điểm tại Việt Nam tạm dừng thi chứng chỉ tiếng Anh. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/07/2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Việc các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh tại Việt Nam tạm dừng. Nên để hoàn thiện và muốn có chứng chỉ, chúng tôi phải sang các nước khu vực Đông Nam Á để dự thi. Và chúng tôi cũng chọn thi chứng chỉ PTE để hoàn thiện hồ sơ của mình khi gửi đến Đại sứ quán Úc để xét duyệt và xin cấp Visa. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ chúng tôi được giới thiệu đến hai cá nhân có tên là Đỗ Thị Thu – Công ty TNHH Tư vấn Nguyễn Gia Global (Chức vụ Phó Giám Đốc) và là chức vụ Giám đốc – Công ty TNHH Tư vấn Nguyễn Gia Group, địa chỉ L7-56 Khu đô thị Athena Fulland Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội và Tạ Thị Hoa – làm tại Công ty TNHH Educattinal Development Program, địa chỉ số 10/1/111 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Sau khi được hai chị Thu và Hoa tư vấn về dịch vụ thi chứng chỉ, thì họ đều cam đoan là chúng tôi sẽ thi đỗ chứng chỉ….”

Anh T và N trình bày tiếp: “Khi gặp và trao đổi với chị Thu và Hoa, chúng tôi được tư vấn sang Singapore thi với mức phí là 40.000.000 đồng/người chuyển khoản cho chị Tạ Thị Hoa. Trong quá trình giao dịch, chúng tôi chỉ chuyển khoản và xác nhận qua tin nhắn. Chúng tôi được bà Thu đưa sang Singapore để thi chứng chỉ. Tại đây, bà Thu cũng tư vấn được tư vấn là nếu có trượt hai kỹ năng nghe và nói thì chúng tôi mới có cơ hội phúc khảo để đạt đủ điểm đỗ là 30 điểm và nộp thêm 26.300.000 đồng/người để có điểm đẹp trên mức 30 điểm. Với tâm lý chung chúng tôi cũng muốn hồ sơ đẹp để nộp tại Đại sứ quán Úc. Chúng tôi đã chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của chị Đỗ Thị Thu. Khi thi xong thì chúng tôi có kiểm tra bằng ID của mình trên trang site: www.pearsonpte.com 

Khi kiểm tra thì chúng tôi thấy điểm của chúng tôi không đạt, tôi có trao đổi với chị Đỗ Thị Thu thì chị bảo, các em đừng vào nhiều, chờ phúc khảo rồi sẽ có link, nếu các em vào nhiều có vấn đề gì thì các em chịu hoàn toàn trách nhiệm. Và sau đó chúng tôi có nhận được một email từ hòm thư [email protected] và kèm theo chứng chỉ bằng file PDF là điểm của tôi trên mức đỗ (40 điểm).

Để xác minh thông tin, chúng tôi cũng vào ID của chúng tôi trên site nhưng không hề có bảng điểm phúc khảo nào như chứng chỉ chúng tôi nhận được theo mail, mà theo ID của chúng tôi thì vẫn là điểm chúng tôi không đạt.”

Trên thực tế thì các thí sinh có thể tự book vé và tự đăng ký thi trên link www.pearsonpte.com  với tổng chi phí bao gồm đi lại và phí thi không quá 15 triệu đồng cho việc thi tại Singapore.

Sau khi tìm hiểu thực tế, phóng viên cũng ghi nhận được rất nhiều nạn nhân từ các tỉnh miền Trung cùng với những lời hứa hẹn như hai nạn nhân đều được tư vấn bởi hai công ty trên. Nhưng dường như các nạn nhân đều không biết kêu ai, không phải ai cũng dám nói ra sự thật hay tố cáo các công ty. Đây là một trong những thủ đoạn tinh vi mà các công ty đang áp dụng để “chiếm đoạt” tiền của học sinh.

Anh Đ.Q.Đ (tỉnh Ninh Bình) cũng là nạn nhân được tư vấn bởi chị Đỗ Thị Thu, Công ty TNHH Tư vấn Nguyễn Gia Global (Chức vụ Phó Giám Đốc) và là chức vụ Giám đốc – Công ty TNHH Tư vấn Nguyễn Gia Group, bức xúc nói: “Tôi cũng bị tương tự như anh T và N, và tôi còn không được gửi mail mà bà Thu gửi cho tôi bản PDF qua zalo và lừa tôi là điểm của tôi được gửi thẳng về Bộ Di trú Úc và New Zealand. Tôi cũng bị Đại sứ quán Úc trả lại hồ sơ vì chứng chỉ giả. Tôi không dám nói với gia đình vì tiền cũng đã mất rồi, còn bao nhiêu công sức chờ đợi của tôi. Giờ, tôi bỏ, không có ý định đi xuất khẩu lao động nữa.”

Sau khi có rất nhiều nạn nhân bị tương tự như trên đến đòi tiền, hỏi vì sao là chứng chỉ giả thì các tài khoản cá nhân như Zalo của chị Thu, Hoa và những tư vấn du học đều hủy kết bạn hoặc không tồn tại. Phải chăng đây là những dấu hiệu “lừa đảo” và “né tránh” trách nhiệm khi sự việc bị phát giác.

Cần tỉnh táo

Chuyên gia giáo dục Đặng Sinh phân tích: “Tôi từng có thời gian sống và làm việc tại Mỹ khá lâu, tôi khuyên các bạn trẻ “khi có dự định du học, định cư theo diện lao động nơi đầu tiên học viên nên đến là đại sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán của nước mình muốn đi. Hiện nay, mỗi quốc gia đều có trung tâm chính thống phi lợi nhuận của các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam. Chẳng hạn, Lãnh sự quán Pháp có văn phòng Campus France, Úc có trung tâm AEC, Mỹ có Phòng văn hóa thông tin, Anh có Hội đồng Anh, Singapore có trung tâm thông tin của Tổng cục Du lịch Singapore. Đại sứ Quán Úc….. phụ huynh và học sinh có thể kiểm chứng mọi thông tin tại các trung tâm này, trường lớp, ngành học, học phí và các thông tin về visa, luật pháp, văn hóa cũng như quy định của nước đó về du học sinh và người lao động,

“Khi quyết định sử dụng các dịch vụ của trung tâm, học viên nên kiểm tra lại kinh nghiệm tư vấn, giấy phép, độ uy tín, bằng cách kiểm tra chéo nhiều nguồn. Phụ huynh không nên ký ngay hợp đồng, mà nên mang nó về nhà tham khảo thêm, nghiên cứu thật kỹ, vì các điều khoản trong hợp đồng của những trung tâm kém chất lượng thường cài cắm vào các điều khoản bất lợi cho học viên, những điều khoản miễn trừ trách nhiệm của trung tâm khi xảy ra sự cố.”

Đồng thời, ông Đặng Sinh cũng nhấn mạnh, về việc các chứng chỉ tiếng anh được cấp bởi các tổ chức nước ngoài, học viên nên cẩn thận với thông tin về chứng chỉ tiếng Anh: “các tổ chức cung cấp chứng chỉ nước ngoài không bao giờ dùng tên miền là gmail để là mail giao dịch trong công việc. Mà các tổ chức sẽ có tên miền riêng mang tính chất quy mô và gmail chỉ dành cho cá nhân. Và đặc biệt và các chứng chỉ phải có dấu xác nhận hoặc những dòng thông tin về trụ sở, về số điện thoại…. và không có chuyện gian lận trong thi cử. Mọi thông tin đều được được công khai minh bạch trên website và tất cả đều phải đăng nhập bằng ID riêng của mình.”

                            Cảnh bảo những hình thức lừa đảo tinh vi
                            Cảnh bảo những hình thức lừa đảo tinh vi

Bà Hoàng My chuyên viên tư vấn du học cho biết: “Thị trường tư vấn định cư theo diện việc làm tại Úc giờ loạn lắm, có khoảng 9 doanh nghiệp tại Việt Nam đủ điều kiện cần và đủ được cấp phép làm thị trường Úc. Nên, giá thì cứ từ mấy trăm triệu lên tới cả tỷ bạc qua nhiều người. Và, lạ một cái là kể cả trả đắt hơn người đi cũng chấp nhận nếu doanh nghiệp nào tư vấn đỗ 100%. Điềy này thì khó lắm.”

Chính vì sự hấp dẫn từ thị trường này cộng với sự “chịu chi” của khách hàng, vô hình chung là miếng bánh “béo bở”, để tội phạm lạm dụng niềm tin của phụ huynh cũng như học sinh, người dân đang mong muốn có một tương lai tốt đẹp ở trời Tây. Bên cạnh những công ty có uy tín, thực hiện đúng cam kết, giá cả phải chăng thì tại Hà Nội tồn tại nhiều công ty, trung tâm hoạt động có dấu hiệu lừa đảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người làm thủ tục để lấy giá dịch vụ cao, tư vấn thì lập lờ, hoặc dám nhận đảm bảo các chứng chỉ tiếng anh cho thi sinh thi đỗ, hoặc bán lại hồ sơ cho trung tâm khác, người học phải đóng tiền hai lần…

Nên, các bậc phụ huynh, học sinh cần tìm hiểu và tỉnh táo trước những thủ đoạn tinh vi những lời hứa từ những tư vấn du học và các công ty không đủ độ uy tín.

Phóng viên Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn sẽ trở lại vấn đề trên trong các bài viết tiếp theo.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích