Hàng nghìn doanh nghiệp tại các địa phương được hỗ trợ đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số

Ngay từ tháng 01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 giao Cục Phát triển doanh nghiệp là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện. Các hoạt động của Chương trình đã góp phần vào sự tăng trưởng rõ rệt trong nhận thức và đầu tư cho chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.

DNCHUYENDOISO
Các doanh nghiệp tham gia đào tạo chuyển đổi số

Theo Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả khảo sát 1000 doanh nghiệp cho thấy, trong năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều (năm 2021, nhiều doanh nghiệp đang ở bước học tập, tìm hiểu và tham khảo thông tin, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số). Sự thay đổi này chủ yếu đến sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong số các mục tiêu quan trọng của Chương trình đó là nâng cao nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số cho 100% các doanh nghiệp trên toàn quốc. Để thực hiện mục tiêu này, trong các năm 2021 và 2022, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội tổ chức chuỗi buổi đào tạo trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp tại 40 tỉnh thành trên khắp cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Vĩnh Long, …

Chuỗi đào tạo tại các tỉnh thành đã thu hút sự quan tâm, tham gia của chủ các doanh nghiệp, quản lý các bộ phận phòng ban trong doanh nghiệp. Các chủ đề chính bao gồm chuyển đổi tư duy lãnh đạo khi chuyển đổi số, tái thiết kế quy trình, chuyển đổi số mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ số để mở rộng thị trường, chuyển đổi số trong chuỗi giá trị nông nghiệp, logistics, v.v…

Ông Nguyễn Hoàng, đại diện doanh nghiệp sản xuất cơ khí tại tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Đối với các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì việc chuyển đổi số vẫn còn rất mơ hồ, chưa có lộ trình rõ ràng. Bản thân doanh nghiệp của tôi cũng đã sử dụng 2 phần mềm về ERP nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình quản lý công việc. Tôi cũng như các doanh nghiệp tại đây rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chương trình trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình.”

Chuỗi đào tạo đã góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của việc ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh và sản xuất. Thêm vào đó, các khóa đào tạo đã hỗ trợ kết nối các tổ chức, hiệp hội, cơ quan nhà nước với đội ngũ chuyên gia và các doanh nghiệp tại địa phương, nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng, triển khai chuyển đổi số và nắm bắt những thông tin, xu thế mới. Đặc biệt có định hướng ứng cộng công nghệ số trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, mở rộng thêm các kênh bán hàng mới, tiếp cận thêm khách hàng mới. Đây là hoạt động rất quan trọng trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu hụt các đơn hàng.

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích