Cổng truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ được vận hành trong năm nay

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Đề án truy xuất nguồn gốc được ban hành năm 2019, Bộ Khoa học Công nghệ cùng các bộ ngành triển khai, xây dựng 20 tiêu chí của Việt Nam về truy xuất nguồn gốc cũng như đưa vào vận hành Cổng thông tin về truy xuất nguồn gốc. Các bộ Nông nghiệp, Công Thương, Y tế đã tham gia phổ biến thông tin, hoạt động truy xuất nguồn gốc trong ngành và xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý.

Dù vậy, việc triển khai Quyết định 100 liên quan đề án này còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu như đưa Cổng truy xuất nguồn gốc vào hoạt động trọn vẹn vì còn vướng một số thủ tục. Trong vài tháng tới, Bộ cố gắng vận hành Cổng, cùng lúc xây dựng thông tin về quản lý truy xuất nguồn gốc; cùng Bộ tài chính ban hành thông tư cơ chế tài chính quản lý đề án này. Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, trong tổng chi ngân sách 0,82% cho khoa học công nghệ trong năm nay thì chi đầu tư 0,23%, còn thường xuyên 0,58%. Trong khi đó tỷ lệ chi ngân sách năm ngoái là 1,1%.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá khoa học công nghệ là lĩnh vực có hành lang pháp lý lẫn quy định đầy đủ để có điều kiện phát triển. Song ngân sách đầu tư cho nghiên cứu của lĩnh vực này chưa hiệu quả. Nếu so với thế giới, có thể Việt Nam đang ở mức thấp nhất, song những tồn tại trong lĩnh vực này mang tính liên ngành, để giải quyết cần phải đổi mới tư duy, cách thức quản lý. Phó thủ tướng cho rằng cần gia tăng áp lực đổi mới cho doanh nghiệp trong thời gian tới theo hướng chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang dựa vào tri thức. Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết chính sách lớn trong lĩnh vực này và xin tiếp thu ý kiến của đại biểu để thực hiện chính sách tốt hơn.

Bộ KH&CN đang tập trung để sớm đưa Cổng truy xuất nguồn gốc vào hoạt động. Ảnh minh họa

Về bố trí ngân sách chi cho khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%. Về quyết toán chi ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95 ngày 17/10/2014, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 27 về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách. Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Bộ trưởng cho biết, việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc. Điều đó cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong khoa học công nghệ, tuy nhiên hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn. Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. Thời gian tới, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định 95, Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, nhân dân để sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo thông thoáng chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả.

Về cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho rằng cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là đối với nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích