Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm giúp đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Hiện nay, việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ đang diễn ra và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị liên quan… Việc ban hành Thông tư nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, thống nhất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường…
Theo dự thảo, căn cứ để cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xem xét, tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất là thông tin, cảnh báo về hàng hóa xuất khẩu không phù hợp với điều kiện quy định tại Điều 32 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Thông tin phản ánh dưới mọi hình thức của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Kết quả khảo sát hoặc kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của cơ quan kiểm tra phát hiện hàng hóa có nhãn hàng hóa không đúng quy định hoặc có dấu hiệu chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Các quyết định hủy hiệu lực, một phần hiệu lực Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của tổ chức đánh giá sự phù hợp; các kết quả đánh giá không phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp; Theo kế hoạch kiểm tra hàng năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Về nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, dự thảo nêu rõ, thứ nhất là kiểm tra thông tin sản phẩm gồm: Kiểm tra tính chính xác của việc thể hiện nội dung, thông tin quảng cáo trên nhãn (nếu có) của sản phẩm; Kiểm tra các nội dung thể hiện mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, các nội dung thể hiện trên nhãn sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật và đối chiếu với tài liệu kèm theo; Kiểm tra việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, việc thể hiện dấu hợp quy (đối với sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận và công bố hợp quy), dấu hợp chuẩn (đối với sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn).
Thứ hai, kiểm tra các điều kiện sản xuất ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bao gồm: Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, bao gồm: Kiểm tra hồ sơ chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy (đối với các sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận và công bố hợp quy); hồ sơ công bố hợp chuẩn (đối với các sản phẩm, hàng hóa công bố hợp chuẩn); hồ sơ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn (đối với sản phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng); Trường hợp trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có quy định liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất thì kiểm tra việc thực hiện các quy định này trong quá trình sản xuất; Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp khác của quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Kiểm tra việc thực hiện và kết quả đánh giá sự phù hợp của quá trình sản xuất.
Kiểm tra hoạt động kiểm soát quá trình sản xuất của cơ sở sản xuất liên quan đến việc tạo thành sản phẩm và duy trì sự đảm bảo chất lượng bao gồm: Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm (tài liệu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm); Kiểm tra toàn bộ hoặc một trong các giai đoạn của quá trình sản xuất (từ đầu vào, qua các giai đoạn trung gian cho đến khi hình thành sản phẩm bao gồm cả quá trình bao gói, xếp dỡ, lưu kho và vận chuyển sản phẩm); Kiểm soát trang thiết bị công nghệ và trang thiết bị đo lường, kiểm tra, thử nghiệm;
Kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu (theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, việc sử dụng nguyên liệu bị cấm, nguyên vật liệu quá hạn sử dụng); Kiểm tra hồ sơ năng lực của người có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; Các nội dung kỹ thuật cần thiết khác.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm tra có thể sử dụng chuyên gia thực hiện việc đánh giá theo các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chuyên gia đánh giá phải độc lập, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá của mình.
Thứ ba là kiểm tra danh mục phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định phương tiện đo nhóm 2 sử dụng trong quá trình sản xuất.
Thứ tư là thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Có thể khẳng định, việc góp ý dự thảo Thông tư sẽ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất, góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Mai Phương