TP Cần Thơ – Trung tâm động lực phát triển
(Xây dựng) – Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị, Trung ương và TP Cần Thơ luôn ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ yêu cầu phát triển TP Cần Thơ, là thành phố trực thuộc Trung ương và trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, qua đó đã đầu tư xây dựng hoàn thành một số dự án trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui, cầu Cần Thơ, QL1, QL91B, QL Nam Sông Hậu, QL91, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, đường Võ Văn Kiệt, đường Võ Nguyên Giáp, đường Bốn Tổng – Một Ngàn, đường nối TP Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tuy đạt một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đồng bộ, hiện đại, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL, làm hạn chế năng lực vận tải hàng hóa, đặc biệt là container đến các cảng biển, khu công nghiệp;
Điển hình kênh Chợ Gạo là tuyến quốc gia kết nối miền Tây Nam Bộ với miền Đông Nam Bộ đang được xây dựng hoàn chỉnh; cảng biển Cần Thơ chưa phát huy hiệu quả khai thác cao và chưa thu hút được nguồn hàng hóa của cả vùng ĐBSCL (hàng hóa thông qua hàng năm từ 2017 – 2022 đạt bình quân khoảng 5 triệu tấn/năm, đạt 58% công suất quy hoạch và chỉ chiếm khoảng 25% tổng hàng hóa thông qua các cảng biển của vùng ĐBSCL) do nguyên nhân chủ yếu là luồng cho tàu biển ra vào sông Hậu chưa xây dựng hoàn chỉnh đạt độ sâu công bố 6,5 m cho tàu tải trọng 20.000 tấn lưu thông; cảng hàng không quốc tế Cần Thơ chưa phát huy hiệu quả khai thác cao (do chưa có nhà ga hàng hóa); chưa có đường sắt cho cả vùng ĐBSCL.
Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là “phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế”. Theo đó, nhiệm vụ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT, TP Cần Thơ thực hiện (các dự án giao thông chiếm trên 50% danh mục dự án) trong đó có bổ sung một số dự án mới trọng điểm (về đường bộ cao tốc, đường sắt qua địa bàn thành phố), huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư các dự án cả về đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không, đường sắt nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối TP Cần Thơ với các tỉnh vùng ĐBSCL, cả nước và quốc tế, tạo sức lan tỏa và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.
Bộ GTVT đang triển khai đầu tư các dự án trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn thành phố: Đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023); đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ – Cà Mau (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025); nâng cấp tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi thành đường cao tốc (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023); xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023). Bên cạnh đó, đang lập Đề án xã hội hóa, đầu tư khai thác cảng hàng không Cần Thơ để triển khai đầu tư nâng cấp cảng hàng không trong giai đoạn 2026 – 2030; lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt TP.HCM – Cần Thơ để triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030.
TP Cần Thơ đang triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, trong đó ưu tiên đầu tư các đường vành đai, đường liên tỉnh, đường tỉnh để kết nối đồng bộ với các đường cao tốc, quốc lộ qua địa bàn thành phố, từ đó kết nối đến cảng hàng không, cảng biển, các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực nội ô và mở rộng không gian phát triển đô thị.
TP Cần Thơ đã tập trung rà soát, nghiên cứu xây dựng Phương án quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thuộc Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để quản lý đồng bộ, hiệu quả quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong các giai đoạn tới.
Về định hướng quy hoạch cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng bến thủy nội địa, bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm logistics được nghiên cứu tích hợp theo các quy hoạch quốc gia. Phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Trong đó có một số nội dung rất quan trọng và mới so với như: Quy hoạch mở rộng thêm diện tích Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ về phía Nam để xây dựng thêm 1 khu hàng không dân dụng và 1 đường hạ cất cánh; Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, nhà ga, khu TOD và logistics đường sắt tại quận Cái Răng; quy hoạch bổ sung mới các bãi đỗ xe công cộng, quy mô lớn đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố; các cảng thủy nội địa trọng điểm phục vụ khai thác các tàu hàng hóa, hành khách, du thuyền.
Hiện Cần Thơ đang tích cực tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh như: Phối hợp với tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp đề xuất đầu tư xây dựng các dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ – Hậu Giang (QL61C); Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; Cầu Ô Môn.
Ưu tiên tập trung bố trí vốn ngân sách thành phố (giai đoạn 2021 – 2025 đã bố trí vốn cho các dự án giao thông chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư công), tăng cường kêu gọi đầu tư để thu hút mọi nguồn vốn và các thành phần kinh tế tham gia; quản lý đồng bộ, hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng, đất đai để tạo quỹ đất dành cho đầu tư hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tái định cư đảm bảo kịp thời khởi công các dự án.
Tag: Cần Thơ, trung tâm, động lực, kết cấu hạ tầng
Nguồn: Báo xây dựng