Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/6/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/6/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/6/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/6/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Nhiều nhà máy thủy điện dừng hoạt động do thiếu nước

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về tình hình vận hành hồ chứa thủy điện ngày 8/6.

Theo đó, trên cả nước, lưu lượng nước về hồ tăng nhẹ so với ngày hôm qua 7-6 nhưng vẫn thấp. Mực nước các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, một số hồ xấp xỉ, dưới mực nước chết; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ ở mực nước yêu cầu theo quy định của Quy trình vận hành.

tm-img-alt
Từ ngày 1/6, 9 hồ thủy điện Thác Bà đã dưới mực nước chết. Ảnh: Minh Dũng

Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, một số nhà máy phải dừng để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành với lưu lượng và cột nước thấp dưới thiết kế, khó có thể đáp ứng được việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, một số hồ ở mực nước chết: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An.

Một số thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo, như: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.

Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24 giờ tới tăng nhẹ, nhưng vẫn thấp; mực nước hồ dao động nhẹ ở mức thấp.

Mực nước hồ/mực nước chết của một số hồ tại khu vực phía Bắc như sau: Hồ Lai Châu 265,5 m/270 m; hồ Sơn La 175,05m/175 m; hồ Hòa Bình 103,58/80 m; hồ Thác Bà: 45,66/46 m; hồ Tuyên Quang 90,75m/90 m…

Tại cuộc họp về cung ứng điện ngày 7/6, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết việc cung ứng điện cho các khu vực miền Nam, miền Trung nhìn chung sẽ được bảo đảm do có nhiều nguồn điện. Tuy nhiên, tình hình cung ứng điện ở miền Bắc đang rất khó khăn, do đặc trưng nguồn thủy điện chiếm tỉ trọng lớn, với 43,6%.

Theo ông Trần Việt Hòa, tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà đã về mực nước chết. Riêng 2 hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết.

Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 13-6. Như vậy, tính đến ngày 6-6, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt.

Áp thấp nhiệt đới sắp xuất hiện, miền Bắc đón hai đợt mưa lớn

Trưa 8/6, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, vùng áp thấp trên khu vực bắc vịnh Bắc Bộ tiếp tục có xu hướng mạnh thêm. Lúc 7h, vị trí vùng áp thấp nằm ở 21,5-22,5 độ vĩ bắc và 108,5-109,5 độ kinh đông.

Ngày và đêm nay, hình thái trên hầu như ít di chuyển và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Cơ quan khí tượng cảnh báo mưa giông mạnh kèm nguy cơ xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7, ảnh hưởng tới tàu thuyền hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ. Cùng với đó, mưa lớn kèm giông, gió giật mạnh khả năng xảy ra ở các tỉnh, TP ven biển phía Đông Bắc Bộ.

Từ chiều tối 8-9/6, Bắc Bộ và Thanh Hóa hứng mưa lớn diện rộng. Nhiều nơi mưa rất to với lượng phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Mưa có thể đi kèm những hiện tượng như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngay sau đó, khu vực bước vào đợt mưa mới kéo dài các ngày 10-13/6 với tổng lượng lên tới 80-150mm/đợt, một số nơi trên 250mm. Người dân đề phòng hiện tượng ngập úng vùng trũng thấp, khu đô thị; sạt lở vùng núi khi mưa lớn xảy ra dồn dập.

Chiều tối và đêm nay (8/6), khu vực Trung Bộ cũng hứng mưa rào và giông rải rác với lượng mưa 10-30mm. Cục bộ mưa lớn trên 50mm.

Trước diễn biến mới về vùng áp thấp trên vịnh Bắc Bộ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai có văn bản gửi đơn vị chức năng các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, đề nghị chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ.

Yên Phong (Bắc Ninh): Từng bước giải quyết các điểm bức xúc về chất thải rắn sinh hoạt

Yên Phong, điểm nóng về ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt từ nhiều năm của tỉnh. Nhiều địa bàn nằm giáp ranh các khu, cụm công nghiệp từng xảy ra hiện tượng rác chồng rác, rác tràn ra đường giao thông, xuống kênh mương nội đồng… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và gây bức xúc dư luận xã hội.

Trước thực trạng trên, Yên Phong nhanh chóng ban hành Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề về thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 với quyết tâm giải quyết triệt để các tồn đọng về chất thải rắn sinh hoạt, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững.

Từng bước giải quyết các điểm bức xúc về chất thải rắn sinh hoạt
Các điểm bức xúc về chất thải rắn sinh hoạt đã cơ bản được giải quyết

Đặc thù của huyện Yên Phong có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, có KCN Yên Phong I, II và CCN đa nghề Đông Thọ… thu hút hàng nghìn lượt công nhân và người lao động đến sinh sống, làm việc, khiến dân số cơ học tăng nhanh, phát sinh nhiều hệ luỵ xấu, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường khó kiểm soát. Trung bình mỗi ngày, toàn huyện phát sinh khoảng 200-250 tấn chất thải rắn sinh hoạt.

Trong khi đó, huyện chưa có khu xử lý chất thải tập trung, số lượng lò đốt công suất nhỏ ít, công suất xử lý không đáp ứng kịp lượng chất thải phát sinh, khiến ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 là kim chỉ nam cho quyết tâm hành động vì môi trường sạch của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Yên Phong.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hơn 3 năm thực hiện Đề án, Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 24 về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 429 ban hành Đề án “Phát động phong trào làm sạch đồng ruộng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm huyện Yên Phong giai đoạn 2019-2021”; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án. UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.

Đến thời điểm hiện tại, công tác bảo vệ môi trường chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường được cải thiện; nhận thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân được nâng lên, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Ông Nguyễn Văn Hoà, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Các điểm bức xúc, tồn đọng về chất thải rắn sinh hoạt cơ bản được giải quyết. Một mặt, yêu cầu các địa phương thực hiện đổ rác đúng nơi quy định, tiến hành đánh đống, phun chế phẩm sinh học, làm xẹp rác và hạn chế phát tán mùi tại các điểm tập kết trong các thôn, xóm.

Mặt khác, Phòng tham mưu với UBND huyện kiến nghị tỉnh cho chủ trương vận chuyển rác thải tồn đọng tại các điểm bức xúc về khu xử lý chất thải tập trung Phù Lãng (Quế Võ) để xử lý. Vận chuyển một phần rác thải sinh hoạt từ các điểm bức xúc về lò đốt rác thải tại thôn Nghiêm Xá, thị trấn Chờ và lò đốt tại cụm xã Long Châu – Trung Nghĩa để xử lý bằng phương pháp đốt.

Vì vậy, giảm thiểu tình trạng quá tải tại một số điểm bức xúc cho các địa phương trong huyện. Hiện nay, 2 lò đốt rác HT-2500 theo hình thức xã hội hóa tại thôn Nghiêm Xá, thị trấn Chờ và cụm xã Long Châu, Trung Nghĩa, công suất đốt khoảng 50-60 tấn/lò/ngày, đêm, cơ bản xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh của thị trấn Chờ, khu vực trung tâm huyện và một lượng rác thải của các điểm bức xúc ở các địa phương giáp KCN, CCN.

Các địa phương trong huyện cũng được tiếp nhận 1.541 thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt; 374 xe gom rác; triển khai lắp đặt các thùng chứa rác thải sinh hoạt ở các thôn, xóm, điểm công cộng, nơi tập trung đông người… góp phần cải thiện đáng kể việc phân loại rác thải, để rác thải đúng nơi quy định và thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt về điểm tập kết, từng bước tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, nâng cao ý thức của người dân trong gìn giữ môi trường chung.

Yên Phong triển khai lập, đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung huyện Yên Phong, giao Ban quản lý dự án xây dựng huyện làm chủ đầu tư.

Quảng Bình: Tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách ứng phó với hiện tượng El Niño

Theo thống kê của Sở NN và PTNT, đến ngày 05/6/2023, bình quân chung dung tích của 153 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 55% dung tích thiết kế; trong đó tổng mực nước 34 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình quản lý đạt trung bình 72,5% dung tích thiết kế.

Đối với hồ chứa do địa phương quản lý, tổng mực nước 20 hồ chứa do huyện Quảng Trạch quản lý đạt trung bình khoảng 45,065% dung tích thiết kế. Tại huyện Bố Trạch, tổng mực nước 35 hồ chứa do địa phương quản lý đạt trung bình khoảng 47,64% dung tích thiết kế.

tm-img-alt
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm cùng đoàn kiểm tra tình hình tại hồ thủy lợi Sông Thai.

Hiện nay, UBND tỉnh, các ban ngành, địa phương đã tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, cũng như tra soát một số vùng thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra hạn hán trên địa bàn tỉnh.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tại 1 số hồ thủy lợi trên địa bàn 2 huyện Quảng Trạch và Bố Trạch.

Sau khi nắm bắt cụ thể tình hình các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình lưu ý các đơn vị, địa phương cần có phương án điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm ngay từu đầu vụ, trành lãng phí và tăng cường quản lý, cũng như vận hành các hồ chứa thủy lợi một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, kịp thời sữa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng thủy lợi, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, cửa lấy nước. Thường xuyên tu sửa, bảo dưỡng máy móc thiết bị, trạm bơm tưới, các máy bơm dự phòng.

Đối với một số công trình hồ chứa bị rò rỉ, gây thất thoát, các đơn vị quản lý hồ chứa cần khẩn trương, chủ động khắc phục, gia cố cũng như kịp thời kiến nghị, đề xuất các ban, ngành chức năng xem xét, có phương án xử lý. Đối với các diện tích không đủ nước tưới, địa phương cần chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, có hiệu quả.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm cùng đoàn đã đi kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt tại Trạm cấp nước Thanh Trạch thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình quản lý.

Cần hợp tác trên diện rộng để giảm phát thải trong ngành hàng không

Trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày ở Istanbul của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), liên minh của 300 hãng hàng không toàn cầu vào ngày 6/6 đã kêu gọi các chính phủ, nhà sản xuất máy bay và cơ quan quản lý chung tay hợp tác để giải quyết các vấn đề về phát thải.

Các hãng hàng không toàn cầu đã kêu gọi hợp tác rộng rãi để đạt được các mục tiêu giảm phát thải ngặt nghèo và cam kết đưa ra các mục tiêu khí hậu tạm thời vào năm tới khi ngành hàng không hướng tới mục tiêu đưa lượng phát thải về 0 vào năm 2050.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho 300 hãng hàng không và chiếm khoảng 80% lưu lượng hàng không toàn cầu, cho biết các chính phủ, nhà sản xuất máy bay và cơ quan quản lý phải cùng chung tay hỗ trợ.

Ngành hàng không, chiếm khoảng 2% lượng khí thải toàn cầu, được coi là một trong những lĩnh vực khó giảm phát thải nhất.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Kết thúc hội nghị thường niên kéo dài ba ngày của IATA tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh cho biết để đạt được các mục tiêu giảm phát thải về 0 vào năm 2050, các chính phủ, nhà sản xuất máy bay cho đến đơn vị điều hành sân bay đều cần hợp tác cùng với các hãng hàng không.

Tại hội nghị, IATA cũng đưa ra những tín hiệu rõ ràng cho thấy đà phục hồi nhu cầu đi lại bằng đường không của người tiêu dùng khi nhiều hãng hàng không quan tâm đến việc đặt mua máy bay mới để đáp ứng nhu cầu cao hơn.

IATA dự báo các hãng hàng không sẽ phục vụ 4,35 tỷ lượt hành khách trong năm nay, gần mức cao kỷ lục của năm 2019 khi ngành này tiếp tục quá trình phục hồi hậu đại dịch COVID-19.

Cũng theo IATA, ngành hàng không toàn cầu cũng dự kiến đạt lợi nhuận ròng 9,8 tỷ USD. Con số này tăng gấp đôi so với mức ước tính trước đó, chủ yếu nhờ Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, các tổ chức môi trường cảnh báo tốc độ tăng trưởng nhanh sẽ mâu thuẫn với các cam kết của ngành hàng không về giảm phát thải, nhưng các nhà cung cấp cho biết những máy bay mới có thể sử dụng các nhiên liệu mới hiệu quả hơn.

Sức ép đối với ngành hàng không trong việc hạn chế lượng khí thải ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn cung nhiên liệu hàng không bền vững vẫn ở mức thấp, hiện chỉ chiếm 0,1% mức tiêu thụ của các hãng hàng không.

Trong khi đó, các hãng hàng không đang dựa phần lớn vào loại nhiên liệu này, để đạt mục tiêu giảm phát thải. Hiện, loại nhiên liệu bền vững đắt hơn nhiên liệu máy bay kerosene từ hai đến bốn lần.

Tim Clark, Chủ tịch của hãng hàng không Emirates của Dubai, khẳng định ngành hàng không đang thực hiện các cam kết một cách nghiêm túc. Gần đây, hãng này đã công bố quỹ phát triển bền vững hàng không trị giá 200 triệu USD.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích