Mỹ: Núi lửa Kilauea ở Hawaii phun trào có mức độ khí SO2 gây quan ngại

Mỹ: Núi lửa Kilauea ở Hawaii phun trào có mức độ khí SO2 gây quan ngại

Núi lửa Kilauea ở Hawaii (Mỹ) – một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới đã phun trào vào ngày 7/6.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), cơ quan này bắt đầu phát hiện hoạt động của núi lửa Kilauea vào sáng 7/6. Phạm vi phun trào trong Công viên Núi lửa quốc gia Hawaii, cách xa các trung tâm dân cư. 

USGS cho biết mức độ khí sulphur dioxide (SO2) thoát ra từ núi lửa Kilauea là mối quan ngại chính, có thể phát tán rộng trong bầu khí quyển, tạo ra một lớp sương mù. Loại sương mù này có thể gây khó thở cho người và động vật, cũng như có thể ảnh hưởng đến mùa màng.

tm-img-alt
Dung nham phun lên từ miệng núi lửa Kilauea trên đảo Hawaii (Mỹ). (Ảnh: AFP)

Hoạt động phun trào cũng có thể gây ra hiện tượng được gọi là “tóc của Pele” – cấu trúc sợi thủy tinh rất mảnh được hình thành từ dung nham núi lửa nguội đi trong quá trình phun trào. Các sợi này có thể gây kích ứng da và các vấn đề về mắt. Pele là tên vị thần núi lửa của Hawaii.

Núi lửa Kilauea phun trào chỉ vài tháng sau khi ngọn núi lửa lớn hơn gần đó, mang tên Mauna Loa, phun trào.

Kilauea nhỏ hơn nhiều so với Mauna Loa, nhưng hoạt động mạnh hơn nhiều và thường thu hút du khách đi máy bay trực thăng đến xem trên đảo Lớn của Hawaii. Đây là một trong 6 ngọn núi lửa đang hoạt động trên quần đảo Hawaii. Ngọn núi này phun trào gần như liên tục trong thời gian từ năm 1983 đến 2019.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích