Trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt kiến nghị Quốc hội có chính sách hiệu quả hơn để thu hút các doanh nghiệp tham gia trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển KHCN, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN sáng 7/6, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Kiến nghị cho phép sử dụng quỹ mua sắm thiết bị
Phát biểu thảo luận với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành đạt, đại biểu Dương Minh Ánh – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ (KHCN).
Theo Đại biểu Dương Minh Ánh, có ý kiến cho rằng, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KHCN còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cho đến nay, gần 10 năm thành lập Quỹ nhưng tình trạng thiếu tiền, thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trong khi nguồn lực dành cho KHCN còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng Quỹ, cơ cấu chi của Quỹ còn bất hợp lý. Nội dung chi chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%. Trong khi đó, các khoản chi cho hỗ trợ phát triển KHCN tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5%, mặc dù đây là nội dung chi thiết thực gắn với các doanh nghiệp.
Đại biểu Dương Minh Ánh nêu, nguyên nhân chủ yếu là do Quỹ hỗ trợ phát triển KHCN không có sự tương thích, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Phát biểu tranh luận về Quỹ hỗ trợ phát triển KHCN, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Quỹ hỗ trợ phát triển KHCN là vấn đề quan trọng, hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc giải ngân Quỹ này rất chậm, quá trình các nhà khoa học nhận được kinh phí từ Quỹ để áp dụng nghiên cứu là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, ngoài Quỹ của nhà nước, Quỹ của doanh nghiệp lập ra cho phát triển KHCN có số lượng thành viên tham gia cũng rất hạn chế.
Trả lời, làm rõ các nội dung về Quỹ hỗ trợ phát triển KHCN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, đối với Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp, theo quy định, doanh nghiệp trích kinh phí cho Quỹ này.
Giai đoạn 2015 – 2021, tổng số doanh nghiệp trích quỹ là 1.281 tỷ đồng, chiếm 0,14% trên tổng số doanh nghiệp, giải ngân chỉ đạt 60%.
Việc trích quỹ thực hiện chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, trong khi đó phương thức để trích lập và sử dụng quỹ còn khó khăn nên việc trích lập quỹ không được nhiều doanh nghiệp thực hiện.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt giải thích, mặc dù Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư để giải quyết vấn đề này nhưng đến nay chưa thu hút thêm các doanh nghiệp tiến hành trích lập quỹ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt kiến nghị Quốc hội có chính sách hiệu quả hơn, trong đó cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ để mua sắm trang thiết bị, máy móc để phục vụ sản xuất kinh doanh, có như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp.
Tránh tình trạng hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học
Liên quan đến nội dung về việc sửa đổi quy định bảo đảm phù hợp với tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của ngành KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ KH&CN đang tiến hành sửa các Thông tư quy định về quản lý các chương trình, nhiệm vụ KHCN một cách đồng loạt để đảm bảo các Thông tư có tính liên thông, đồng bộ.
Hiện nay, các Thông tư cơ bản đã được hoàn thành. Vừa qua, Bộ KH&CN đã ban hành 5 Thông tư mới đồng bộ với việc tái cơ cấu các Chương trình khoa học, công nghệ quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng bãi bỏ quy định các nhà khoa học là chủ nhiệm có nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ KHCN trong 2 năm tiếp theo, nhằm bảo đảm tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của ngành KH&CN.
Bộ KH&CN cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 27 để đơn giản hóa các thủ tục mua sắm, thanh toán, giảm bớt hồ sơ, thủ tục thanh toán, để khoán chi đúng nghĩa đến sản phẩm sau cùng, tránh tình trạng hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh đến tính đặc thù về kinh tế, tài chính của lĩnh vực KH&CN bởi nghiên cứu khoa học không thể tính toán định lượng chính xác như các hoạt động lao động sản xuất khác. Vì vậy, rất khó để xây dựng định mức, tính toán hiệu quả, lợi nhuận.
Nhấn mạnh khoa học là con đường ngắn nhất đi đến thịnh vượng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN hết sức cố gắng để động viên các nhà khoa học tham gia một cách tích cực vào các hoạt động thiên chức của mình là nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt kiến nghị các cấp chính quyền tin tưởng hơn nữa, giao nhiều trọng trách, nhiệm vụ, cơ chế hơn nữa cho các nhà khoa học một cách thỏa đáng để lực lượng này phát huy được năng lực, đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị