Thái Bình: Vì sao hơn 160ha lúa xuân phát triển kém ở Thái Thụy không thuộc diện được hỗ trợ?

Thái Bình: Vì sao hơn 160ha lúa xuân phát triển kém ở Thái Thụy không thuộc diện được hỗ trợ?

Hơn 160ha lúa xuân ở xã An Tân và Hồng Dũng (Thái Thụy, Thái Bình) phát triển kém không thuộc đối tượng áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Những ngày qua, tại huyện Thái Thụy rộ lên thông tin một diện tích lúa rất lớn của nông dân 2 xã An Tân, Hồng Dũng bị chết, phát triển kém, đến thì nhưng không trổ bông. Theo người dân địa phương, hiện tượng này xuất hiện ngay từ khi mạ được cấy nhưng không lớn được, đỏ quạch rồi chết héo; khi được cấy lại vẫn bị chết.

Đến thời điểm thu hoạch lúa chiêm, nhiều hộ nông dân ở hai xã trên không có gì để thu, mất trắng. Có những hộ dân như ở thôn Tân Phương (xã An Tân) mất trắng cả mẫu ruộng, lâm cảnh khó khăn.

tm-img-alt
Hiện tượng lúa chết được ghi nhận xảy ra trên diện tích lớn ở 2 xã thuộc huyện Thái Thụy

Theo văn bản báo cáo ngày 1/6 của UBND huyện Thái Thụy gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, vụ chiêm 2023, từ phản ánh của nhân dân và qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn, tại xã An Tân có một số diện tích (khoảng 35 – 40 ha, thuộc cánh đồng chữ U) sau khi cấy đến khoảng thời gian trung tuần tháng 4 lúa sinh trưởng, phát triển kém, gần đây xuất hiện một số khóm lúa héo úa, bị chết chòm, chết khoảng.

Tại xã Hồng Dũng có một số diện tích ở khu vực chùa Văn Đông (25 ha); cánh đồng màu, đồng Vạn Lan thuộc thôn Đầm Sen (5ha) từ sau khi cấy đến khoảng đầu tháng 5 lúa sinh trưởng, phát triển kém, một số không trổ bông, trổ bông nhỏ, ngắn, tỷ lệ lép cao. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng ở 2 xã trên khoảng 162 ha, trong đó xã  An Tân 135 ha, Hồng Dũng 27 ha).

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy cho biết: Nguyên nhân chính khiến một số diện tích lúa của 2 xã sinh trưởng, phát triển kém là do khu vực này là đất chua mặn, đã được cải tạo tầng đất canh tác trong nhiều năm qua. Vụ lúa xuân 2023, do thời tiết từ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 có nhiều đợt không khí lạnh (độ ẩm thấp, thời tiết hanh khô, gần như không có mưa đến đầu tháng 5), nên đã gây ra hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn dẫn đến tái mặn ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa.

Ông Thụy thông tin thêm, một số hộ nông dân do sử dụng các giống lúa không phù hợp với vùng đất nhiễm mặn nên lúa phát triển kém, thậm chí không trổ bông. Hiện tượng này cũng đã từng xuất hiện ở một số xã thuộc 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy trong thời gian vừa qua.

Chính quyền địa phương đề xuất xem xét hỗ trợ theo Nghị định số 02 ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, theo ông Thụy, không có căn cứ để áp dụng vì trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh (từ tháng 2 đến tháng 4/2023) có các loại hình thiên tai như: Gió mạnh trên biển, lốc, sét.

“Nhưng đây không phải là nguyên nhân khiến một số diện tích lúa ở xã An Tân và Hồng Dũng phát triển kém. Do đó, hơn 160ha lúa xuân kể trên tại địa phương không thuộc đối tượng áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”, ông Thụy cho biết.

Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh Thái Bình xem xét hỗ trợ người dân bằng các cơ chế, chính sách khác để khuyến khích bà con tiếp tục sản xuất, tránh tình trạng ruộng bỏ hoang.

Liên quan đến sự việc này, Sở cũng đã đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra lấy mẫu đất để đánh giá mức độ ô nhiễm tại xã An Tân, xã Hồng Dũng và một số xã lân cận để làm cơ sở điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích