Sẽ có giải pháp cho tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc
Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng và Nhà nước ta, được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn. |
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) nêu thực trạng hiện nay chúng ta đã có nhiều chính sách định canh, định cư cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi, tuy nhiên một bộ phận người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông vẫn đang du canh, du cư phát nương, làm rẫy, mang theo cả gia đình, đời sống rất khó khăn. Đồng thời đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ những giải pháp giúp bà con dân tộc thiểu số và miền núi định cư ổn định cuộc sống trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, qua khảo sát tình trạng đồng bào di cư từ địa phương này sang địa phương khác không chỉ diễn ra đối với đồng bào dân tộc Mông, mà xảy ra với các dân tộc khác. Về tập tục, tập quán thì từ trước đến nay là đồng bào dân tộc Mông di cư nhiều hơn, thường xuyên hơn, có trường hợp di cư đến nhiều địa bàn nhiều tỉnh khác nhau. Hiện nay có những hộ gia đình chưa có hộ khẩu ổn định nhưng đã di cư đến 3 – 4 tỉnh.
Bộ trưởng cũng lý giải nguyên nhân của tình trạng và nêu ra các giải pháp cho tình trạng này. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền cho người dân về chính sách pháp luật, kịp thời nắm bắt giải quyết vướng mắc của cộng đồng dân cư để yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, có một số nhóm đồng bào không thuộc vùng dự án, không được thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung nguồn lực đầu tư tại vùng khó khăn nhất.
Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc. |
Trong giai đoạn sau của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tập trung 12 nhóm chính sách, giải quyết những vướng mắc trong Quyết định 861. Tiếp đó, nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hưởng chính sách để xây dựng các chính sách phù hợp vào giai đoạn sau. Như vậy các giải pháp này vừa tổng quan, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có phân kỳ theo từng giai đoạn để đầu tư, hỗ trợ cho bà con nhân dân. Về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc sẽ cùng phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá, rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những chính sách bất cập, đồng thời có những chính sách mới trong giai đoạn mới.
Cũng trả lời câu hỏi của đại biểu nêu tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, việc thiếu đất ở và sản xuất của đồng bào là việc rất lớn. Năm 2019, nhu cầu về đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 24.000 hộ gia đình và 42.000 hộ gia đình cần đất sản xuất.
Sau khi tính toán, Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2025 giải quyết 60% đất ở cho người dân, 40% còn lại giải quyết vào giai đoạn 2026 – 2030. Giai đoạn đầu sẽ tập trung vào nơi khó khăn nhất, nơi đồng bào chưa được hỗ trợ chính sách nào.
Về đất sản xuất, thống kê cho thấy nhiều nơi có quỹ đất hỗ trợ xây dựng mô hình sắp xếp dân cư tập trung, nhưng cũng có nơi không còn quỹ đất; các bộ ngành, địa phương chậm triển khai chính sách. Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh sẽ rà soát để có quỹ đất cấp cho bà con.
Không đặt câu hỏi về một nội dung cụ thể nào nhưng phần chất vấn của đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn đại biểu Quốc hội Lạng Sơn) thu hút được nhiều sự chú ý. Đại biểu đã hỏi Bộ trưởng Hầu A Lềnh vấn đề trăn trở nhất của Bộ trưởng là gì?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, bản thân cũng là người dân tộc thiểu số nên cảm xúc ở mỗi vị trí công việc khác nhau. Nhưng hiện nay với tư cách Bộ trưởng, việc số một là phải hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao trong triển khai các chính sách dân tộc. Điều trăn trở của ông là nhận thức của người dân. Do đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mong bà con dân tộc thiểu số học tiếng Việt, để người dân cảm nhận và thụ hưởng được chính sách, chung tay cùng thực hiện chính sách và đây cũng là bài học tốt trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Nguồn: Báo lao động thủ đô