Lạng Sơn: Hội Phụ nữ tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm
Lạng Sơn: Hội Phụ nữ tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm
Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn thường xuyên hướng dẫn, yêu cầu các cấp hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến hội viên. Qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập của các loại hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những năm qua, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế.
Do đó, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch, an toàn nhằm chung tay vì sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 152.000 hội viên phụ nữ. Với số lượng hội viên đông, trong đó có nhiều hội viên trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến các loại sản phẩm, thực phẩm, Hội LHPN tỉnh thường xuyên hướng dẫn, yêu cầu các cấp hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến hội viên.
Theo đó, công tác tuyên truyền được các cấp hội thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như: lồng ghép qua sinh hoạt chi hội, tọa đàm, qua mạng xã hội, phát tờ rơi… nội dung tuyên truyền về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; thực trạng, nguyên nhân, giải pháp và các vấn đề liên quan đến việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm; giới thiệu quảng bá sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất…
Chỉ từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp hội đã tuyên truyền được 800 cuộc tới trên 48.000 lượt người tham dự, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về đảm bảo an toàn khi sử dụng, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, các cấp hội phụ nữ còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động cán bộ, hội viên phụ nữ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nền nông nghiệp xanh không chất độc hại như: tập huấn phụ nữ nông dân về mô hình trồng trọt, chăn nuôi khép kín không rác thải; tổ chức các hội thi, hội thảo với chủ đề nông nghiệp sinh thái; giúp đỡ các ý tưởng khởi nghiệp với mô hình trồng rau sạch…
Hội LHPN huyện Chi Lăng hàng năm, thường xuyên phối hợp với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật… tổ chức các buổi tập huấn đến 100% hội viên, phụ nữ về các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, đối với hội viên, phụ nữ có mô hình sản xuất na, chúng tôi yêu cầu 100% chị em ký cam kết trồng na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm còn được các cấp hội phụ nữ triển khai lồng ghép với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn” gồm 11 tiêu chí, trong đó có tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đó, các cấp hội cũng đã tích cực tuyên truyền đến hội viên và gia đình hội viên thực hiện sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sạch; dùng thuốc, các chất phụ gia được phép sử dụng và tuân thủ đúng quy định sản xuất, chế biến thực phẩm; lựa chọn sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng… Mỗi năm một cơ sở hội giúp đỡ 1 – 2 hội viên đạt 11 tiêu chí. Trung bình mỗi năm các cấp hội giúp đỡ trên 1.000 hộ đạt 11 tiêu chí, hiện toàn tỉnh có trên 63.000 hộ hội viên đạt 11 tiêu chí của cuộc vận động…
Hội LHPN tỉnh cho biết, các cấp hội phụ nữ luôn xác định vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi sản xuất, chế biến các loại sản phẩm.
Hội LHPN tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp hội ở cơ sở chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho hội viên, đặc biệt là hội viên có mô hình sản xuất, chế biến sản phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Qua đó, phát huy vai trò của các cấp hội trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Những hoạt động thiết thực của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức và phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua đó, góp phần lan tỏa tới cộng đồng cùng chung tay đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị