Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thanh tra về cung ứng điện
(Xây dựng) – Theo nội dung công điện về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương lập Đoàn thanh tra về quản lý, cung ứng điện của EVN từ đầu 2021 đến tháng 6 năm nay.
Lượng tiêu thụ điện bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh/ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4 (ảnh: VGP News). |
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, nhất là các yếu tố phát sinh và hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về điện, hoàn thành trước 10/6.
Bộ Công Thương phải hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng về tiết kiệm điện 2023 – 2025; Chỉ thị về đảm bảo cung ứng, cấp than, khí cho sản xuất điện. Các công việc này cần báo cáo, trình Thủ tướng trước ngày 8 và 15/6. Bộ cũng được giao lập Đoàn thanh tra về quản lý, cung ứng điện của EVN từ đầu năm 2021 đến đầu tháng 6 năm nay.
Thời gian qua, nắng nóng gay gắt làm tăng nhu cầu dùng điện. Lượng tiêu thụ điện bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh/ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Công suất tiêu thụ cực đại cũng đạt đỉnh ở 44.600 MW và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng đó, hiện tượng El Nino dẫn tới hạn hán, các hồ thủy điện cạn nước. Đầu tháng 6, các hồ thủy điện lớn của miền Bắc như Lai Châu, Sơn La, Bản Vẽ, Tuyên Quang chỉ còn cách mực nước chết (ngưỡng có thể phát điện) 1-2 m. Chiến lược huy động thời gian này của ngành điện là duy trì vận hành tối đa nguồn than, dầu, khí và năng lượng tái tạo để giữ và nâng dần mực nước các hồ lớn phía Bắc.
Tại công điện hôm nay, Thủ tướng giao EVN huy động mọi nguồn lực, nỗ lực cao nhất các giải pháp bảo đảm cung ứng điện. Tập đoàn này chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó khó khăn về cung ứng điện và tháo gỡ khắc phục sự cố các nhà máy, nhất là tại miền Bắc để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
TKV và PVN cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy điện theo đề nghị của EVN và khắc phục ngay sự cố các nhà máy điện thuộc thẩm quyền, đưa vào vận hành trong tháng 6. UBND các tỉnh, thành phố cùng EVN, các tổng công ty, công ty điện lực thực hiện các kịch bản ứng phó khó khăn cung ứng điện, tiết kiệm điện thời gian tới.
Liên quan tới lưới điện truyền tải, Bộ Công Thương rà soát để hướng dẫn đầu tư, trong đó có hình thức hợp tác công tư và trình ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Mặt khác, theo Điều 4 Luật Điện lực, Nhà nước độc quyền trong điều độ hệ thống điện quốc gia. Hiện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) vẫn thuộc EVN, do đó Thủ tướng yêu cầu đưa quản lý, vận hành của A0 về Bộ trong tháng 6.
Bộ cũng được giao hoàn thành đàm phán giá điện với các dự án điện tái tạo chuyển tiếp (điện mặt trời, điện gió) trong tháng 6, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Cuối tháng 4, EVN dự báo miền Bắc có thể thiếu 1.600-4.900 MW trong mùa khô. Hơn một tháng sau, tình hình cung ứng điện ở tình trạng “khẩn cấp” hơn khi theo tính toán của A0, hệ thống điện miền Bắc có thể thiếu khoảng 8.000 MW trong trường hợp cực đoan. Vì thế, A0 đề nghị tăng mức tối đa ngừng cấp điện của hệ thống điện quốc gia từ 8.000 MW lên 15.000 MW, tương đương điện cho miền Bắc giảm 8.100 MW. Trong đó, mức giảm cấp điện lớn nhất của Hà Nội và TP HCM khoảng 4.100 MW.
Để đủ điện trong bối cảnh nguồn cung căng thẳng, EVN đề nghị các địa phương tiết kiệm điện 10-15% tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng. Các đơn vị thuộc EVN từ 6/6 thực hiện chế độ tiết kiệm điện cấp bách đến hết tháng 8. Ngành điện cũng vận động khách hàng điều chỉnh thời gian sử dụng vào các giờ cao điểm nắng nóng.
Nguồn: Báo xây dựng