Lương và thu nhập của công nhân lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại nghị trường ngày 6/6, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn Bình Thuận) đề nghị cho biết thực trạng thu nhập và đời sống của công nhân lao động trong giai đoạn hiện nay?

“Để công nhân yên tâm gắn bó với công việc, xin Bộ trưởng cho biết Nhà nước và doanh nghiệp cần quan tâm giải quyết vấn đề căn cơ gì, nhất là đối với công nhân trong các khu công nghiệp và khu chế xuất”, đại biểu hỏi.

Lương và thu nhập của công nhân lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn
Đại biểu Trần Hồng Nguyên chất vấn. Ảnh: QH

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thu nhập của người lao động còn thấp; quý I/2023, thu nhập bình quân của người lao động làm công ăn lương là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6% so với quý II/2022, tức là tăng giá trị tuyệt đối là 204.000. Trong đó các ngành nghề cơ bản thâm dụng lao động nhiều như dệt may là 7,2 triệu, da giày là 8 triệu, chế biến gỗ là 7,4, điện tử là 9 triệu.

Theo Bộ trưởng, hệ thống các cơ quan, nhất là doanh nghiệp đã cố gắng rất lớn. Doanh nghiệp và người lao động cũng san sẻ với nhau, chia sẻ với nhau với một phương châm là khi làm ăn cùng thăng tiến thì cùng hưởng, khó khăn thì sẻ chia. Đời sống người lao động mặc dù gần đây khó khăn hơn nhưng về cơ bản cũng được cải thiện.

“Các chính sách của Nhà nước đặt ra, nhất là lương tối thiểu, lương thu nhập bình quân và các khoản thu nhập khác cũng được thực hiện một cách cơ bản, đảm bảo theo các quy định pháp luật. Tuy nhiên cũng thấy rõ ràng là hiện nay lương và thu nhập còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất, và đối với lao động nữ thì càng khó khăn hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Lương và thu nhập của công nhân lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn
Các đại biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: QH

Nói về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, có 4 giải pháp giải quyết căn cơ. Việc đầu tiên phải tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và đời sống. Thứ hai là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Thứ ba là chăm lo đời sống phúc lợi thiết chế, nhất là các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục dành cho phụ nữ, người thân trong gia đình. Thứ tư là tăng cường các kết nối, giới thiệu việc làm và liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp đào tạo…

Nói về tình trạng thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta 2,25%, tỷ lệ đó là thấp và đánh giá hoàn toàn khách quan và khoa học, dựa trên những tiêu chí cụ thể mà quốc tế đưa ra.

Tiêu chí ở đây đặt ra là người lao động ở trong độ tuổi thì có nhu cầu làm việc nhưng lại không có việc làm, hay nói cách khác là thậm chí không làm việc dù chỉ 1 giờ trong tuần đó; thứ hai là họ sẵn sàng làm việc nhưng không có việc làm; thứ ba là họ đang phải tìm việc.

Lương và thu nhập của công nhân lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Dự báo trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, phải dựa vào dự báo phát triển kinh tế – xã hội: “Thời gian tới có thể tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ có khó khăn hơn, đặc biệt là đối với những ngành hàng, lĩnh vực thâm dụng lao động nhiều, trong đó những ngành như giày da, dệt may, túi xách xuất khẩu. Trên cơ sở đó có thể đời sống, lao động, việc làm và tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng nhưng gia tăng không nhiều”.

Bộ trưởng cũng nói về điều lo nhất hiện nay, đó là sau một thời gian ảnh hưởng Covid-19 đã làm bào mòn phần tích lũy của người lao động, do đó càng ngày sẽ càng khó khăn hơn, đây là vấn đề cần phải quan tâm nhưng cũng không quá bi quan về tình hình này.

“Chúng ta quy mô 51,2 triệu lao động ở thời điểm này nhưng tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 297.000, giãn việc, mất việc là trên 506.000. Nếu so như vậy, một tỷ lệ ở trong khoảng hoàn toàn chúng ta kiểm soát được.

Năm 2021, chúng ta lo lắng nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng lao động mà chúng ta đã không để điều đó xảy ra. Thời điểm này chúng ta không cho phép chủ quan nhưng cũng không bi quan trước tình hình. Thủ tướng đã chủ động cùng xúc tiến đầu tư với một số nhà đầu tư lớn. Chúng ta sẽ làm nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, ổn định người lao động và đời sống”, Bộ trưởng trả nhấn mạnh.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích