Cần công khai chất lượng doanh nghiệp bảo hiểm
Không thể phủ nhận, ngành Bảo hiểm đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm. Tuy nhiên, chất lượng phát triển còn có những tồn tại, hạn chế chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng. Thời gian qua, thị trường bảo hiểm đã phát sinh những vấn đề nổi cộm về chất lượng tư vấn, chăm sóc, giải quyết quyền lợi cho khách hàng.
Đặc biệt, trong quá trình phát triển đã xuất hiện rất nhiều kênh phân phối bảo hiểm mới bên cạnh kênh phân phối truyền thống, điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: BTC |
Tại tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm” vừa được tổ chức mới đây, bà Phạm Thu Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho rằng, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, nếu làm đúng, chính xác sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho các bên tham gia, vì tiết giảm rất nhiều chi phí cho người dân mong muốn tham gia gói tài chính trọn gói tại một nơi.
Song thực tế, trong quá trình triển khai, việc kiểm soát chất lượng tư vấn qua kênh ngân hàng còn nhiều vấn đề phức tạp, chưa chặt chẽ. Có thông tin phản ánh nhân viên ngân hàng có hiện tượng mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ, thậm chí ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm mới cho vay vốn, trong khi hành vi ép buộc khách hàng đã bị cấm.
Theo bà Phạm Thu Phương, có một số nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên. Đầu tiên, về hợp đồng bảo hiểm, đó là hợp đồng tài chính dài hạn, tương đối đặc thù, tính chuyên môn cao để bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm trong việc tiếp cận thông tin đúng về sản phẩm bảo hiểm trước khi kết giao hợp đồng.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, khách hàng cần quan tâm kỹ hơn về hợp đồng, loại hình bảo hiểm tham gia. Tuy hợp đồng bảo hiểm rất phức tạp, khó hiểu, nhưng không thể vì thế mà phó thác toàn bộ cho đại lý. Khi khách hàng chưa rõ, chưa đủ tự tin thì không nên đưa ra quyết định đầu tư để đảm bảo quyền lợi của bản thân.
Mặt khác, pháp luật có quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin, giải thích đầy đủ, rõ ràng điều khoản của sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng. Nhưng thời gian qua, vẫn còn có một số đại lý tư vấn chưa đầy đủ, khách quan, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng phát triển thị trường nói chung. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bức xúc mà dư luận phản ánh trong thời gian qua, đã làm giảm rất nhiều tính nhân văn của bảo hiểm.
Nhiều chuyên gia đề nghị, cơ quan quản lý phải định kỳ công bố kết quả đánh giá “hạnh kiểm” của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để người dân biết được doanh nghiệp nào hoạt động tốt, tư vấn đầy đủ, đúng quy định. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cũng phải nghiên cứu để tăng chế tài đối với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Một nguyên nhân nữa là do một số tổ chức tín dụng đã giao chỉ tiêu doanh số bán bảo hiểm cho nhân viên, tạo sức ép cho nhân viên, dẫn đến tình trạng áp lực doanh số, bằng mọi giá bán bảo hiểm cho khách hàng.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, trong thời gian qua, cùng với việc ban hành các công văn chấn chỉnh, kể từ 2022 đến nay, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp. Nhận thấy hoạt động bán bảo hiểm qua qua ngân hàng còn nhiều vấn đề tồn đọng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã đề xuất bổ sung văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Cục cũng đề xuất khống chế mức chi cho đại lý bảo hiểm; cụ thể hóa trách nhiệm của doanh nghiệp trong kiểm tra, giám sát đại lý; minh bạch hóa thông tin hợp đồng; xây dựng bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, nêu rõ thời hạn đóng phí, cùng các thông tin quan trọng khác. Năm 2023, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động thanh tra, kiểm tra; khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương thị trường.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hai cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến bảo hiểm là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình xử lý các vấn đề; tăng cường công tác truyền thông; tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quản lý hoạt động của lĩnh vực bảo hiểm; đặc biệt là tăng chất lượng và số lượng chế tài quản lý vì sẽ giúp tạo hàng rào bảo vệ các quan hệ cốt lõi.
Xoay quanh những vấn đề tồn tại của thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, nhiều ý kiến cũng cho thấy, đây là bài học lớn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và khối doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng. Đồng thời nhấn mạnh, việc kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời của các cơ quan quản lý vừa qua là rất cần thiết để có thể sớm lành mạnh hóa ngành Bảo hiểm.
Nhìn vào Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 cũng đã có rất nhiều bổ sung và có cả tính chất kế thừa của luật cũ. Những vấn đề về tư vấn trung thực, đầy đủ, không lừa dối khách hàng… đã được quy định trong Luật. Vì vậy, nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm là chất lượng của hoạt động tư vấn chứ không phải do quy định.
Nguồn: Báo lao động thủ đô