Môi giới BĐS gạo cội tiết lộ chuyện “cắt máu” trong nghề môi giới

Chuyện môi giới mất hợp đồng phút chốc bởi đồng nghiệp là không hiếm trong nghề môi giới BĐS. Gần như ở tổ chức, thị trường nào cũng xuất hiện tình trạng này. Một môi giới chuẩn bị kí hợp đồng liền bị khách hàng từ chối với lý do, được môi giới khác chiết khấu cao hơn. Thậm chí, có môi giới bán đúng giá công ty đưa ra vẫn bị khách quay lại chửi vì người khác chiết khấu cao hơn. Hiện tượng “cắt máu” đồng nghiệp này gần như là chuyện muôn thuở trong nghề môi giới, được xem là cạnh tranh không lành mạnh trong nghề.

Từng chia sẻ về câu chuyện bị “cắt máu” khi mới chập chững vào nghề, anh C (môi giới Nhơn Trạch, Đồng Nai) không bao giờ quên được. Và, hiện dù đã là gạo cội trong nghề môi giới BĐS, thi thoảng anh C vẫn gặp những trường hợp như thế.

Nhớ lại 3 tháng ròng không có giao dịch, chớm được thì bị đồng nghiệp “cắt máu”, anh C đã từng bật khóc vì điều này.

“Là người hơi kiệm lời, nhưng lại tự tin vốn kiến thức của bản thân, nên ngay giao dịch đầu tiên, tôi không nhờ đồng nghiệp hỗ trợ mà tự mình đi tiếp khách. Sau khi dẫn khách đi xem thực tế dự án, khách đồng ý chốt sản phẩm. Tôi dẫn khách về công ty, và mừng thầm mình sẽ có giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, trời tính không bằng “đồng nghiệp cắt máu””, anh C chia sẻ.

Được biết, khi dẫn khách về công ty để cọc nền, khi anh C đang làm giấy nhận cọc cho khách thì khách báo ra cây ATM rút tiền mặt. Lúc này, anh C chưa có kinh nghiệm nên cứ nghĩ khách ra rút tiền xong sẽ vào cọc. Tuy nhiên, ngay lúc đó, có bạn sales làm cùng công ty bám theo khách lấy số điện thoại và đề nghị “cắt máu” – tức mua của bạn đó sẽ rẻ hơn giá anh C đưa ra. Anh C đã để mất hợp đồng đầu tiên trong ấm ức.

Có rất nhiều trường hợp như anh C, việc “cắt máu” đồng nghiệp thể hiện dưới nhiều hình thức trên thị trường BĐS.

“Cắt máu” thực chất là tình trạng trích một hoặc toàn bộ số hoa hồng mà sales được hưởng sau khi có giao dịch thành công tặng cho khách hàng. Nguyên nhân có thể do cạnh tranh không lành mạnh giữa các sales nhằm níu kéo khách hàng về phía mình hoặc thậm chí do yêu cầu của khách hàng.

 

Chia sẻ tại một buổi giao lưu trực tuyến mới đây do cộng đồng Review Bất động sản với 140.000 thành viên tổ chức, bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land cho rằng chiêu thức cạnh tranh kém lành mạnh trong các nhóm môi giới không chỉ là hiện tượng cục bộ, mà còn phản ánh một thực trạng gốc rễ của ngành. Đó chính là việc thiếu hụt các quy chuẩn về nghề và các chế tài cụ thể cho người hoạt động trong lĩnh vực môi giới.

Theo bà Hương, vấn đề cạnh tranh không lành mạnh ở các môi giới cần được giải quyết ở tận gốc rễ, đòi hỏi sự tham gia đa bên.

Thứ nhất, các cơ quản quản lý phải ban hành những quy chuẩn cụ thể về năng lực môi giới, quy trình đào tạo, quản lý phân cấp và cả chế tài nếu có tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần phải đưa ra lộ trình phát triển cho môi giới, để các nhân sự nhìn thấy rõ con đường dài hạn, thay vì tập trung vào từng khoảng lợi ích manh mún. Đơn cử tại Đại Phúc Land, cấp độ nhân viên tư vấn bất động sản sẽ kéo dài từ 1-3 năm, chuyên viên tư vấn bất động sản thì cần 3-5 năm và chuyên gia tư vấn bất động sản thì cần 5-10 năm. Thời gian đó là điều kiện cần để các bạn có đủ kiến thức, thông tin và thương hiệu uy tín với khách hàng. Tích lũy đủ rồi thì các bạn môi giới có thể trở thành quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp hoặc trở thành một chuyên gia tự do.

Thứ ba, chính đến từ sự tử tế của các môi giới. Chúng ta đang bán các sản phẩm với giá trị hàng tỷ đến hàng trăm tỷ đồng, chúng ta không thể nào đạt được lợi ích của mình mà ảnh hưởng đến đối tác, khách hàng của mình. Chúng ta phải có trách nhiệm với tài sản của khách hàng. Thị trường rất nhỏ, nếu muốn làm tốt thì hãy làm thật đúng thật chuẩn.

Cùng quan điểm, bà Tracy Vũ – Head Of Universe Division tại ERA Vietnam cho rằng, môi giới như bao ngành nghề khác. Chúng ta phải bỏ thời gian, công sức, trải qua quá trình pháp lý để giao dịch một bất động sản thành công. Do đó cắt máu hay giật khách chính là các hành động không lành mạnh, cho chính bản thân các bạn và cho cả nghề.

“Cắt máu” đồng nghiệp hay bị khách hàng yêu cầu “cắt máu” vẫn là bài toán nhức nhối của không ít người làm nghề môi giới BĐS. Do vậy, theo các chuyên gia, để có thể thành công, không gặp tình trạng trên, mỗi một nhân viên kinh doanh bất động sản nên liên tục trau dồi kiến thức và kinh nghiệm để nâng cao giá trị bản thân và bản lĩnh. Đồng thời tỉnh táo, khôn ngoan, không nên dùng chiết khấu để lôi kéo khách hàng như những sales khác.

 

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích