Bao giờ danh tính Liệt sĩ Phan Văn Bính được xác định..?
Hồ sơ của ông Phan Văn Dương gửi tới Tòa soạn.
Trong đơn ông Dương viết: “Căn cứ vào các thông tin và danh sách liệt sĩ của E31 F2 cung cấp, ngày 28/9/2018, gia đình tôi đã cầm hồ sơ LS và giấy giới thiệu của Ủy ban xã Thụy quỳnh – Thái Thụy – Thái Bình vào Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam xin được vào thăm viếng mộ LS Lê Văn Bính (Phan Văn Bính) tại xã Trà Nú, Trà Mi. Sau khi kiểm tra giấy tờ xong đồng chí phụ trách chính sách của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam nói: “trong hồ sơ lưu giữ tại Phòng chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam ghi những LS hi sinh và mất tích mai táng ban đầu tại xã Trà Nú huyện Bắc Trà Mi chỉ có tên LS là Lê Văn Bính chứ không có Phan Văn Bính, còn các chi tiết khác đều khớp nhau. Tôi đề nghị đồng chí xem lại hồ sơ vì trong hồ sơ tôi đã có đơn xin đính chính lại họ của LS do nhầm lẫn từ ban đầu nhưng đã được cơ quan địa phương xác nhận. Sau đó đồng chí làm phiếu chi hỗ trợ cho gia đình tôi trên 4 triệu đồng tiền thăm viếng mộ LS (theo thông tư 298 của Bộ Quốc phòng).
Ngày 26/8/2020 Cục chính sách Tổng cục chính trị cũng đã có công văn số 2133 gửi Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam trong công văn cũng nói rõ hồ sơ lưu giữ tại Cục chính sách những LS hi sinh và mất tích trong đó có tên LS Phan Văn Bính, nơi mai táng ban đầu núi ông Quang xã Nú, Trà Mi, Quảng Nam.
Trong trích lục thông tin liệt sĩ số 70 của Phòng chính trị F2 QK5 đều có ghi nơi an táng ban đầu của liệt sĩ Phan Văn Bính ở núi ông Quang, xã Nú, Trà My, Quảng Nam.
Tất cả những chứng cứ và giấy tờ trên để chứng minh rằng LS Lê Văn Bính (Phan Văn Bính) có hi sinh và mai táng ban đầu tại núi ông Quang, xã Nú, Trà My, Quảng Nam thế mà tại sao trong kết luận Báo cáo số 1779 và số 01; 02 của Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam lại kết luận trong chiến tranh chống Mỹ, không có liệt sĩ nào có tên Lê Văn Bính (Phan Văn Bính) hy sinh trên đất Quảng Nam.
Vậy tôi xin hỏi nếu liệt sĩ Lê Văn Bính không hy sinh và nơi mai táng ban đầu ở núi ông Quang, Trà Nú, Bắc Trà My thì tại sao lại có tên trong hồ sơ lưu trữ của Phòng chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam và nếu không hy sinh, mai táng ở xã Trà Nú thì các đồng chí có chi tiền hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ không?
Còn tên địa danh đồi Kha Lau hay núi ông Quang đều là tên của địa phương tự đặt ra để gọi, đồi Kha Lau mới được đặt tên từ ngày 11/6/2020 khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ tại ngọn núi ông Quang, còn địa danh núi ông Quang đã có từ những năm 1967-1968, những chứng cứ và giấy tờ trên tôi thấy nó phản ánh quá đầy đủ tính pháp lý để kết luận nơi mai táng ban đầu của liệt sĩ Bính tại núi Ông Quang, Trà Nú, Bắc Trà Mi, Quảng Nam thế mà tôi không hiểu tại sao Đoàn xác minh của Bộ CHQS Tỉnh Quảng Nam vẫn kết luận không đủ cơ sở pháp lý để kết luận nơi mai táng ban đầu của liệt sĩ Bính là núi Ông Quang, xã Trà Nú, Bắc Trà Mi, Quảng Nam. Tôi đề nghị quý cơ quan xem lại phần kết luận này.
… Còn nói về thông tin xác minh nhân chứng tôi xin phép nói những điểm cơ bản có liên quan đến việc mai táng liệt sĩ.
Điểm 1: Trong báo cáo số 02 của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam ghi: (…khoảng 12h đêm đồng chí Phiến đang nằm võng bị rơi xuống giao thông hào người dân phát hiện và gọi y tá cấp cứu, tiêm thuốc nhưng đ/c Phiến đã hy sinh…).
(…ông Nguyên là người dẫn đoàn đi lên núi tìm kiếm phần mộ liệt sĩ khi phát hiện có dấu hiệu hài cốt ông Nguyên xác nhận ngay ra đó là hài cốt liệt sĩ Lê Văn Phiến và ông còn nhớ rất rõ…).
Bản trích lục Thông tin về quân nhân hy sinh trong chiến tranh số 70/SĐ-CT của Phòng Chính trị Sư đoàn 2.
Kính thưa quý cơ quan! chỉ mới nói hai điểm nói về ông Nguyên là nhân chứng chủ yếu nhưng đoàn xác minh đã nói không trung thực, địa điểm nơi hy sinh của đồng chí bộ đội đó là hầm tránh đạn tại nhà ông Nguyên, vào thời gian nửa đêm đ/c bộ đội đó lên cơn sốt rét co giật bị rơi từ võng mắc trên mặt hầm xuống đất, gia đình ông Nguyên đưa lên gia đình tự cấp cứu nhưng không qua khỏi, đồng chí đã hy sinh, chứ không có y tá nào đến tiêm và cấp cứu cả, hơn nữa ngày 9, 10/6/2020 ông Nguyên ở nhà không được mời gọi dẫn đoàn lên núi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nhưng trong báo cáo xác minh đoàn lại ghi ông Nguyên dẫn đoàn đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và khi phát hiện có dấu hiệu hài cốt liệt sĩ ông Nguyên nhận ngay ra đây là hài cốt liệt sĩ Phiến, như vậy là không đúng (vì ông Nguyên ngày 09,10/6/2020 ông ở nhà, có lên núi đâu mà nhận).
Còn ông Hoàng Văn Linh cũng được mời ký vào biên bản với tư cách là nhân chứng, tôi không hiểu nhân chứng cái gì, ông Linh là cán bộ trẻ sinh ra sau năm 1968 biết gì về trường hợp hy sinh và nơi mai táng ban đầu của liệt sĩ Phiến mà ký.
Trong báo cáo số 01; 02 ghi… ngày 09,10/6/2020 ông Linh dẫn đoàn gồm những người là dân quân địa phương lên núi tìm hài cốt liệt sĩ nhưng thực chất không phải thế, đi cùng đoàn hôm đó địa phương chỉ có 02 ông là Ông Phương và Ông Linh. Ông Linh đi theo đoàn với tư cách là xã đội trưởng đại diện chính quyền địa phương chứ có chỉ huy dân quân nào đâu và có dân quân nào đâu mà chỉ huy, lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là của Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam (lực lượng 515).
Còn ông Kích trong báo cáo số 01; 02 của Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam nói ông Kích là người tham gia mai táng liệt sĩ tại đồi Kha Lau (núi ông Quang), nhưng thực tế không phải vậy. Năm 1968, ông Kích chỉ là liên lạc cho chính quyền xã, sở dĩ ông Kích biết phần mộ liệt sĩ là do ông Quang chỉ vào một ngày 2 ông đi công tác qua đó ông Quang chỉ ông Kích đây là phần mộ của đồng chí bộ độ mới hy sinh do bị sốt rét do đó ông Kích mới biết phần mộ này chứ không phải ông Kích là người trực tiếp mai táng liệt sĩ.
… Còn trường hợp liệt sĩ Lê Văn Phiến trong trích lục số 2252 của Bộ CHQS Tỉnh Thái Bình chỉ ghi chung chung nơi mai táng ban đầu ở xã Nú, Trà My, Quảng Nam chứ không ghi cụ thể như trong kết luận báo cáo 1779 của Bộ CH QS Tỉnh Quảng Nam báo cáo Cục chính sách Tổng cục chính trị, còn việc báo cáo không trung thực trên để nhằm mục đích gì đề nghị quý cơ quan xem lại.
Vậy nay tôi làm đơn này kính đề nghị quý cơ quan xem xét, cho ý kiến và trả lời cho gia đình tôi biết những nội dung sau:
1. Trường hợp hồ sơ liệt sĩ Phan Văn Bính có các chứng cứ, giấy tờ tôi đã trình bày ở trên đã đủ làm cơ sở pháp lý để kết luận là nơi mai táng ban đầu tại Núi ông Quang, xã Nú, Trà My nay là xã Trà Nú, Bắc Trà My, Quảng Nam chưa?
2. Cách xác định danh tính hài cốt liệt sĩ ngày 11/6/2020 của Ban CHQS huyện Bắc Trà My có khách quan và đủ tính pháp lý không? Nếu đúng thì đúng ở điểm nào?
3. Các thông tin xác minh nhân chứng mai táng liệt sĩ tôi đề nghị quý cơ quan lên xem xét lại, theo chủ quan của tôi, tôi thấy bản báo cáo không trung thực có sự hoài nghi về sự sắp xếp sẵn báo cáo nội dung để phù hợp với bản xác định danh tính.
Để làm rõ vấn đề này tôi đề nghị Cục chính sách Tổng cục chính trị chủ trì mời các bên có liên quan để đối thoại trực tiếp tìm ra cái đúng, cái sai để chứng minh đủ pháp lý hay không đủ pháp lý, từ đó tìm ra cách giải quyết.
Kính mong quý cơ quan quan tâm giải quyết dứt điểm những nội dung gia đình tôi đặt vấn đề trên tránh để lâu, kéo dài gây ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý và tâm linh cho mỗi gia đình chúng tôi.”.
Đơn đề nghị “Về việc đính chính Họ của Liệt sỹ” có xác nhận của UBND xã Thụy Quỳnh và Phòng Lao động TBXH huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Sau khi nghiên cứu đơn, hồ sơ, ngày 10/09/2021, Tạp chí điện tử Hòa nhập đã có Công văn số 65/2021/CV-ĐTHN chuyển đơn (kèm theo hồ sơ) của ông Phan Văn Dương tới Cục Chính sách Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Tạp chí điện tử Hòa nhập thông báo để ông Phan Văn Dương được biết./.
Nguồn: hoanhap.vn