Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/6/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/6/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/6/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/6/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Từ ngày 8/6 miền Bắc và miền Trung mưa dông diện rộng, nhiệt giảm rõ rệt

Sáng 5/6, ông Vũ Tuấn Anh, Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có trao đổi về diễn biến thời tiết những ngày tới. Theo đó, toàn bộ khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ ngày mai tiếp tục giảm nhiệt, nắng nóng chỉ còn xảy ra cục bộ ở một số nơi với mức nhiệt trên 35 độ C.

“Dù có mưa dông song cần lưu ý thời tiết khá oi bức trong ngày”, ông Vũ Tuấn Anh nói.

Sau đợt nắng nóng gay gắt, từ nay đến 7/6 ở Bắc và Trung Bộ có mưa dông tập trung nhiều vào chiều tối và đêm. Ban ngày có nắng gián đoạn xen kẽ, tạo cảm giác khá oi bức. Từ 8/6 trở đi, mưa dông ở Bắc Bộ và Trung Bộ gia tăng ở nhiều nơi, nền nhiệt khu vực này giảm rõ rệt, tạo ra bầu không khí mát mẻ, dễ chịu trên toàn miền.

Về xu thế thời tiết tháng 6, ông Vũ Tuấn Anh cho biết, trong tháng 6 sẽ có khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.Tình hình nắng nóng tạm thời gián đoạn đến giữa tháng. Từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 6 có khả năng xuất hiện 2-3 đợt nắng nóng diện rộng.

Mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ còn kéo dài trong nhiều ngày tới. Bắc Bộ và Bắc trung bộ có mưa dông, nhưng tổng lượng mưa tháng 6 thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ nay đến cuối tháng 6 miền Bắc có thể xuất hiện 3 đợt mưa dông diện rộng nữa.

Hà Nội hưởng ứng chiến dịch: “Clean up Việt Nam” lần thứ 5

Với mong muốn làm sạch môi trường, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nhựa trong cộng đồng. Đồng thời lan tỏa tình yêu môi trường và truyền cảm hứng sống xanh – sống trách nhiệm tới mọi người. Cộng đồng Xanh Việt Nam tổ chức chiến dịch nhặt rác toàn quốc thường niên Clean Up Việt Nam (2 lần/năm).

Với thông điệp “Nhặt rác cùng nhau – Vươn ra toàn cầu”, Chiến dịch Clean Up Việt Nam hướng đến việc nâng cao nhận thức giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và lan tỏa phong cách sống sạch, sống xanh trong cộng đồng.

tm-img-alt

Dưới cái nắng oi bức của Hà Nội các bạn trẻ vẫn nhiệt tình thu gom rác thải.(Ảnh BTC)

Chiến dịch Clean up lần 5 tại điểm cầu Hà Nội đã diễn ra tại Công viên Hồ Điều Hòa Mai Dịch, được đông đảo tình nguyện viên yêu môi trường tham gia, đồng hành cùng nhau nhặt rác làm sạch khu vực công viên.

Cụ thể, Chiến dịch đã lan tỏa sâu rộng đến mọi người, có hơn 750 người tham gia bao gồm học sinh, sinh viên, người đi làm, đặc biệt với sự tham gia của rất nhiều em nhỏ, các gia đình và những bạn trẻ từ khắp các quận trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Điều đó đã thể hiện ý thức bảo vệ môi trường lan tỏa trong từng thế hệ người Việt. Kết quả đã thu gom được tất cả 248 bao rác (trong đó có 212 bao rác thường và 36 bao rác tái chế)

Mặc dù thời tiết nắng nóng, đặc biệt trong lúc tình nguyện viên tỏa đi khắp công viên nhặt rác là thời điểm oi bức nhất thế nhưng tất cả mọi người đều vẫn nhiệt tình và hào hứng khi được hành động thực tế để bảo vệ môi trường. Những chiếc ô bật lên và đồng đội che nắng cho nhau, đó chính là tình cảm trân quý từ chính tình nguyện viên đối với nhau.

Tiếng ca bài hát “Việt Nam ơi” vẫn luôn vang xa và vọng lại khu vực chính từ các Nhóm nhặt rác giúp mọi người cảm thấy vui vẻ và nhiệt huyết hơn.

Hòa Bình giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa

Trong 3 năm qua, các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội và các địa phương trong tỉnh Hòa Bình đã tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân. Theo đó, trên toàn tỉnh tổ chức hơn 180 hội nghị, lớp tập huấn, cuộc tuyên truyền về chống RTN; hơn 50 lớp hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao bì sau sử dụng; tổ chức các lễ phát động, giao lưu truyền thông về phong trào chống RTN. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động thi vẽ tranh, tìm hiểu kiến thức về môi trường, tặng túi dùng nhiều lần và túi nilon có khả năng phân hủy cho người dân.

tm-img-alt
Hội viên phụ nữ thành phố Hòa Bình thu gom rác thải nhựa để gây quỹ. Ảnh: Internet

Hiện nay, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang duy trì nhiều phong trào, mô hình hoạt động hiệu quả về bảo vệ môi trường, chống RTN. Như Hội LHPN các cấp đang triển khai và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; 23 mô hình “Mỗi rác thải là một cây xanh”, “Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, “Thôn, xóm kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu”. Hội Nông dân tỉnh triển khai hỗ trợ 4 mô hình điểm về “Thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón, xử lý môi trường làng nghề và thu gom vỏ bao thuốc BVTV trên đồng ruộng”. Đoàn Thanh niên với nhiều hoạt động thông qua “Ngày Chủ nhật xanh” và “Ngày thứ Bảy tình nguyện”.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về phong trào “Phòng, chống RTN”, giảm thiểu sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy ngày càng được chú trọng, nhất là trong dịp hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Thông tin từ phòng Tổng hợp và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường: Qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 62-CT/TU, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chống RTN đã thu được những kết quả nhất định; tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nilon của người dân đã có từ lâu vì sự tiện lợi, giá thành rẻ, thuận tiện trong quá trình sử dụng. Trong khi đó, các sản phẩm thân thiện với môi trường chưa nhiều, giá thành cao, chưa có chính sách hỗ trợ về giá cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất vẫn còn sử dụng bao bì nhựa để đóng gói sản phẩm, chưa có giải pháp thay thế nên lượng RTN, túi ni lông phát sinh còn nhiều. Các cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa chưa đồng bộ, đặc biệt là chế tài xử phạt và chính sách khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế nhựa, túi ni lông. Ngoài ra, công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải hiện nay chưa đồng bộ, từ đó dẫn đến bất cập trong công tác phòng, chống RTN.

Tỉnh đoàn Điện Biên chung tay bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa

Với phong trào phòng chống nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon là nội dung các cấp bộ Đoàn tỉnh Điện Biên tiếp tục chú trọng trong thời gian tới. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi và người dân nâng cao nhận thức về rác thải nhựa; khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.

Phong trào Chống rác thải nhựa là hoạt động ý nghĩa và thiết thực trong nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường đã truyền cảm hứng và lan tỏa trong đoàn viên, thanh thiếu nhi, người dân.

Hưởng ứng phong trào, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động nâng cao ý thức trách nhiệm của đoàn viên thanh niên, phát huy tinh thần xung kích của mình trong việc bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa.

tm-img-alt

Nhiều mô hình, cách làm mang lại hiệu quả cao, tạo dấu ấn đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia như: Ra quân ngày chủ nhật xanh năm 2023; thành lập 2 mô hình: Đội thanh niên tình nguyện “Chống rác thải nhựa” và Đội thanh niên tình nguyện “Thu gom rác thải tại địa bàn nông thôn” tại Trường THPT Nà Tấu; 1 mô hình “Ngôi nhà của pin” tại phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ)…

Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, Tỉnh đoàn Điện Biên đã chỉ đạo các huyện, thị, thành Đoàn triển khai các phong trào, hành động góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt khuyến khích tái sử dụng với đa dạng các hình thức.

Hiện nay đã có nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đang hướng tới xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp bằng cách tận dụng những rác thải nhựa có thể tái sử dụng. Những vật dụng như lốp ô tô, chai nhựa, hộp nhựa… được tái sử dụng thành đồ chơi, đồ dùng học tập. Điều này không chỉ tiết kiệm kinh phí mà còn bảo vệ môi trường xanh, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên cho học sinh.

Các cơ sở Đoàn đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện triển khai các mô hình thiết thực như: “Xây dựng lò đốt rác”, “mô hình phòng chống rác thải”, “chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”; tuyên truyền vận động người dân, chủ cơ sở buôn bán ở chợ thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa và túi nilon bằng túi từ bạt tái chế, làn cói, làn mây, hộp đựng dùng nhiều lần… hay đóng gói sản phẩm bằng lá dong, lá chuối; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường; chủ động phân loại rác thải tái chế và rác không tái chế ngay từ gia đình.

Phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” cũng đã trở thành hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia dọn vệ sinh môi trường, thu gom túi nilon, phân loại rác thải nhựa có thể tái chế để tái sử dụng… Tích cực tuyên truyền người dân không vứt túi nilon xuống kênh mương thủy lợi, cống rãnh thoát nước, các khu dân cư.

Một số hình ảnh đoàn viên, thanh niên trường THPT Nà Tấu cùng nhau “Thu gom rác thải tại địa bàn nông thôn” và “Chống rác thải nhựa”:

Long An: Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Các cấp, các ngành trong tỉnh nêu cao trách nhiệm trong việc BVMT bằng những hành động, việc làm thiết thực như tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định pháp luật; triển khai, thực hiện các mô hình, cách làm hay về BVMT, góp phần kêu gọi cộng đồng chung tay BVMT trên địa bàn.

Tại huyện Đức Huệ, môi trường những năm gần đây không ngừng được cải thiện, nâng cao. Chính quyền, MTTQ, hội, đoàn thể các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ra quân vệ sinh môi trường và xây dựng nhiều mô hình BVMT.

Công tác BVMT được huyện Tân Trụ tập trung thực hiện thông qua vận động, tuyên truyền, kêu gọi người dân, DN chung tay, góp sức,… Từ đó, phát huy hiệu quả, lan tỏa những thông điệp sâu sắc đến với người dân, cộng đồng, làm thay đổi nhận thức trong việc BVMT.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường
Người dân chung tay cùng địa phương trong công tác xây dựng, bảo vệ môi trường (Trong ảnh: Người dân huyện Tân Trụ ra quân trồng cây xanh cải thiện diện mạo, cảnh quan môi trường)

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ – Ngô Tấn Tài cho biết: “Từ những việc làm cụ thể của các cấp chính quyền, MTTQ, hội, đoàn thể, sự chung tay, góp sức của người dân, DN, diện mạo, cảnh quan môi trường trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc. Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, tập trung chỉnh trang môi trường nông thôn, hướng đến xây dựng huyện là một trong những nơi đáng sống, không khí trong lành, môi trường sạch, đẹp”.

Công tác BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được tỉnh quan tâm, tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình hoạt động, các DN từng bước nêu cao vai trò, trách nhiệm, chung tay, góp sức với chính quyền địa phương cải thiện môi trường trên địa bàn.

Với dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu từ châu Âu, nhà máy áp dụng công nghệ tái chế “bottle to bottle” – mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.

Ngoài các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý, sản phẩm của Cty đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận quốc tế từ Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA).

Đây là minh chứng cho chất lượng sản phẩm hạt nhựa tái sinh không chứa chất độc hại, an toàn cho sức khỏe con người, phù hợp để sản xuất các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm, gồm cả nước uống. Nhà máy đang được vận hành theo tiêu chí “3 không”: Không rác thải, không khí thải, không nước thải.

Áp dụng tiêu chí này không chỉ giúp Cty thúc đẩy việc sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc tái sử dụng các nguồn năng lượng trong sản xuất. Để tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nhà máy đang đầu tư tái sử dụng 80% nước thải và hướng đến mục tiêu đạt đến 100%.

Lũ quét cuốn cả ô tô, tủ lạnh của người dân Đồng Nai

Sáng 5/6, người dân ở một số địa phương của huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau trận mưa lớn tối 4-6 làm nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập, tài sản hư hỏng nặng.

Cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ từ chiều đến đêm 4/6 tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã khiến cho nhiều nhà dân, ki ốt, tường rào, bị đổ sập; nhiều nơi đường giao thông bị ngập cục bộ và hư hỏng.

Người dân địa phương cho hay, cơn mưa này có thể đánh giá là lớn nhất từ đầu mùa mưa đến nay. Mưa gây ngập nặng nhiều nơi như đường Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Tôn Đức Thắng… điều này gây khó khăn cho người đi đường sau giờ tan tầm trở về nhà.

tm-img-alt
Mưa lớn làm hư đường.

Hơn nữa nhiều nhà trọ, khu dân cư nằm ở vùng trũng bị nước ngập nặng trên 0,7m,nhiều đồ đạc chìm trong biển nước như xe máy, ô tô, tivi, tủ lạnh. Người dân đi làm về, trở tay không kịp nên cũng đành nhìn tài sản bị ngâm úng, hư hỏng. Một số ngôi nhà, tường rào bị sập đã gây ra tình trạng xe, tài sản bị vùi lấp dưới đất cát.

Được biết, khi mưa lớn xảy ra, nắm bắt thông tin phát sinh nhiều sự cố, Ban Chỉ huy quân sự huyện Nhơn Trạch đã huy động hơn 100 chiến sỹ tham gia cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ di dời, tìm kiếm tài sản cho người dân. Các cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự Nhơn Trạch đã tìm thấy và bàn giao cho người dân 3 chiếc xe máy bị đất cát vùi lấp và nhiều vật dụng, tài sản có giá trị.

Và trong ngày hôm nay 5/6, lực lượng chức năng, người dân địa phương vẫn tiếp tục dọn dẹp những khu vực bị thiệt hại sau mưa.

Hậu Giang phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Ngày 5/6, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh thị xã Long Mỹ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.

tm-img-alt
Lực lượng đoàn viên, thanh niên ra quân thu gom rác thải nhựa tại thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa bằng nhiều biện pháp thiết thực, như: Thành lập các tổ thu gom rác; hình thành các câu lạc bộ nói không với túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường.

Các cấp, các ngành của tỉnh tăng cường tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người; phổ biến rộng rãi các mô hình điển hình trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang, các tổ chức chính trị- xã hội trong tỉnh đẩy mạnh truyền thông “giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, hành động “chống ô nhiễm nhựa”; tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm nhựa nhằm thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần của người dân.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, đồ nhựa dùng một lần. Xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.

Biến đổi khí hậu có thể tạo ra các đợt sóng thần khổng lồ từ Nam cực

Một nghiên cứu mới đây đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể gây ra sự lở đất dưới vùng nước ở Nam Cực, dẫn đến những cơn sóng thần khổng lồ.

Sau khi khoan vào lõi trầm tích dưới đáy biển Nam Cực, các nhà khoa học phát hiện ra trong thời kỳ nóng lên toàn cầu trước đây, khoảng 3 và 15 triệu năm trước, các lớp trầm tích đã xuất hiện sự lỏng lẻo và trượt xuống dẫn đến những cơn sóng thần khổng lồ ập vào bờ biển Nam Mỹ, New Zealand và Đông Nam Á. 

tm-img-alt

Ảnh minh họa một cơn sóng thần chuẩn bị đổ ập vào bãi biển. Ảnh: Shutterstock

Giờ đây, khi biến đổi khí hậu làm các đại dương ấm lên, các nhà nghiên cứu lo sợ rằng những cơn sóng thần này có thể bùng phát lại. Sự kết thúc các thời kỳ băng giá định kỳ trên Trái Đất khiến các tảng băng co lại và rút đi, làm giảm tải trọng lên các mảng kiến tạo Trái Đất, khiến chúng bật ngược lên trong quá trình bật ngược đẳng tĩnh. Sau khi các lớp trầm tích yếu hình thành với số lượng đủ lớn, lục địa ở Nam Cực dâng lên đã gây ra các trận động đất làm cho lớp sỏi thô trượt khỏi rìa thềm lục địa, dẫn đến lở đất và sóng thần.

Các nhà nghiên cứu chưa biết chắc chắn nguyên nhân thúc đẩy sạt lở đất dưới biển trong quá khứ ở khu vực này, nhưng họ suy đoán khả năng cao nhất là do sự tan chảy của sông băng do khí hậu ấm lên. Kỷ băng hà kết thúc khiến những dải băng co lại và thu hẹp, làm giảm áp lực lên mảng kiến tạo của Trái Đất, khiến chúng bật lên trong quá trình mang tên isostatic rebound.

Sau khi những lớp trầm tích yếu tích tụ đủ số lượng, sự vận động của lục địa Nam Cực gây ra động đất khiến lớp sỏi thô bên trên trầm tích trượt khỏi rìa thềm lục địa, dẫn tới sạt lở và sóng thần. Quy mô của sóng thần cổ đại chưa được xác định rõ, nhưng các nhà khoa học ghi nhận hai trận sạt lở dưới biển gần đây sản sinh sóng thần khổng lồ gây thiệt hại nghiêm trọng. Trận sóng thần cao 13 m ở Grand Banks năm 1929 khiến 28 người thiệt mạng ngoài khơi Canada và trận sóng thần cao 15 m ở Papua New Guinea cướp đi mạng sống của 2.200 người.

Với nhiều lớp trầm tích chôn vùi bên dưới đáy biển Nam Cực và sông băng phía trên chậm rãi tan chảy, các nhà nghiên cứu cảnh báo lở đất và sóng thần có thể tái diễn trong tương lai.

Jenny Gales, giảng viên về thủy văn và thăm dò đại dương tại Đại học Plymouth tại Anh, cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh việc chúng ta cần khẩn trương nâng cao những hiểu biết về biến đổi khí hậu toàn cầu và ảnh hưởng của nó đến sự ổn định của khu vực Nam Cực, cũng như khả năng xảy ra sóng thần trong tương lai”.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích