Ngọc Thụy – Long Biên: Chuyển đổi mô hình kinh tế từ đất nông nghiệp thành khu dịch vụ cắm trại
Toà soạn Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn nhận được thông tin về việc bãi bồi sông Hồng tại ngõ 325 Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đang xuất hiện tình trạng kinh doanh loại hình dịch vụ cắm trại, homestay trên đất nông nghiệp một cách tràn lan. Phóng viên(PV) đã ghi nhận tình trạng thực tế và nhận thấy các thông tin trên hoàn toàn có cơ sở.
Theo ghi nhận của PV, hiện tại đang có 4 đơn vị có dấu hiệu sử dụng, san lấp, lấn chiếm và “biến tướng” đất nông nghiệp tại bãi sông Hồng thành cơ sở kinh doanh dịch vụ cắm trại, homestay là TBS Riverside Garden, Vườn của ngoại, Beach By The River và Red Riverside Garden.
Được biết giá vé cho mỗi người vào cửa tại các khu dịch vụ này giao động từ 70.000-100.000 VNĐ, các dịch vụ ăn uống, giải khát sẽ tính riêng hoặc khách tự đem đồ vào.
Dễ dàng nhận thấy, các cơ sở kinh doanh này đã thay đổi hiện trạng đất nông nghiệp thành nhiều khu nhà được dựng bằng cột tre, nền lát gạch và trải cỏ. Để phục vụ khách hàng, các khu này còn lắp đặt hệ thống máy chiếu, karaoke, đèn điện và dựng khu tiểu cảnh bằng bê tông, san lấp đất ra ven sông Hồng.
Trong vai người có nhu cầu sử dụng dịch vụ cắm trại, trao đổi với quản lý khu dã ngoại Beach By The River, PV ngỡ ngàng khi người phụ nữ này cho biết đã làm “luật” đầy đủ với cơ quan chức năng nên khách hàng cứ yên tâm vui chơi tới sáng cũng được, sẽ không bị kiểm tra. Dư luận đặt ra câu hỏi về câu trả lời của người phụ nữ: Liệu có thực sự có việc làm “luật” với cơ quan chức năng hay không?
Người dân tại đây cho biết: “Khu này trước đây là đất ruộng, được người ta mua xong dựng lên thành khu dã ngoại, homestay. Có đợt UBND phường ra quân tháo dỡ nhưng chắc có cái gì đó nên xong lại thôi, đâu lại vào đấy.”
Qua ghi nhận thực tế tại các cơ sở trên và chia sẻ của người dân tại đây khiến dư luận nghi ngờ về công tác kiểm tra, quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn của UBND phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Phải chăng việc “cao lễ thì dễ thưa” đang xảy ta tại đây ?
Đáng lo hơn, diện tích tại khu vực này thuộc bãi bồi ven sông Hồng. Với việc diện tích không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng khi nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hồng dâng cao, cuộc sống của người dân sẽ bị xáo trộn, nguy hiểm. Các công trình xây dựng có thể sẽ bị ảnh hưởng, hư hỏng. Mặt khác, nếu vi phạm các hành lang thoát lũ có thể dẫn tới ngập úng ở những khu vực xung quanh.
Để khách quan thông tin và rộng đường dư luận, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đã đặt lịch làm việc, liên hệ với đại diện UBND phường Ngọc Thụy là bà Lê Thị Bích Hoài – Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Thuy. Tuy nhiên bà Hoài từ chối làm việc với lý do bận và không có thời gian trả lời báo chí.
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng, trong khi đó nhiều địa phương còn chủ quan, lơ là. Từ sự việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi về chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi để tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp tràn lan, cụ thể ở đây là UBND Phường Ngọc Thụy.
Vậy các cơ sở kinh doanh trên đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật chưa? Việc kinh doanh có đấu hiệu trái phép trên đất nông nghiệp có gây thất thoát cho ngân sách nhà nước? Việc “biến tướng”, lấn chiếm đất ven sông Hồng để làm khu dã ngoại liệu có tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ. Các cơ quan chức năng sẽ xử lý dứt điểm tình trạng này ra sao khi các hoạt động này ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn và trên hết là sự an toàn khi vui chơi ở các cơ sở này vì đặc thù các khu dã ngoại này nằm sát bờ sông, nguy cơ đuối nước cao, đặc biệt với trẻ em?
Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/01/2014 của UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công đã nêu rõ:
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu Chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.
Đối với địa phương để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu