Trung Quốc: Sóng nhiệt gây áp lực lên mạng lưới điện
Trung Quốc: Sóng nhiệt gây áp lực lên mạng lưới điện
Nhiệt độ ở nhiều khu vực của Trung Quốc liên tục tăng cao kỷ lục gây ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với hệ thống lưới điện của nước này.
Thiếu điện trên diện rộng
Từ trước tháng 6, Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiệt độ nóng bức ngột ngạt ở Thượng Hải và nhu cầu điện tăng cao từ Quảng Đông đến Hải Nam.
Tính đến 31/5, 578 trạm quan trắc khí tượng cấp quốc gia ở khu vực miền Nam Trung Quốc đã vượt mức cao nhất trong lịch sử tại cùng thời điểm, 25 trạm lập kỷ lục từ trước tới nay.
Thời tiết khắc nghiệt đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống điện của Trung Quốc, khi các đợt nắng nóng và hạn hán khiến nhiều hồ chứa thủy điện cạn khô. Các đợt nắng nóng và hạn hán trong thời gian qua đã làm giảm năng suất thủy điện và gây ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng. Điều này đẩy chính phủ Trung Quốc vào tình trạng cấp bách khi phải đảm bảo sản xuất đủ điện để đáp ứng mức tiêu thụ ngày càng tăng.
Tập đoàn tư vấn kinh tế và năng lượng Lantau Group đánh giá Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn nhiều quốc gia khác, nhưng lại gây ra vấn đề về sử dụng năng lượng hóa thạch.
Nhu cầu sử dụng điện ở các trung tâm sản xuất phía Nam đã tăng lên trong những ngày gần đây. China Southern Power Grid – một trong hai nhà điều hành lưới điện của Trung Quốc – chứng kiến mức tải điện cao nhất vượt 200 triệu kilowatt – sớm hơn nhiều tuần so với thông thường và gần đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Trong những ngày gần đây, lần đầu tiên phụ tải điện ở Hải Nam đã tăng trên 7 triệu kW và cũng đạt mức cao kỷ lục ở Quảng Tây. Con số này dự kiến tăng gấp đôi, và sẽ tiếp tục tăng ở các tỉnh phía Nam khác.
Mùa hè năm 2022, nhiệt độ kỷ lục ở Trung Quốc đã buộc các nhà chức trách phải kêu gọi người dân hạn chế sử dụng điện. Sản lượng thủy điện cũng bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài.
Thích nghi với biến đổi khí hậu
Lantau Group cho rằng các nhà khai thác điện trên toàn thế giới cần học hỏi bài học từ Trung Quốc. Điều này là rất quan trọng khi trái đất đang nóng lên khiến các sự kiện khí hậu hiếm gặp sẽ trở nên phổ biến hơn và con người cần phải lên kế hoạch ứng phó kịp thời.
Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng với mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Những dự án lớn như đập Tam Hiệp và hàng trăm nhà máy phát điện nhỏ hơn được xây dựng trên khắp các con sông của Trung Quốc. Điều này có nghĩa các vùng tây nam Trung Quốc phụ thuộc tới 80% điện năng vào thủy điện.
Vào mùa hè năm ngoái, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đã làm khô cạn nhiều nhánh của sông Trường Giang, con sông dài nhất ở Trung Quốc, làm giảm lượng điện từ những con đập khổng lồ của Trung Quốc. Đồng thời, nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng máy lạnh tăng vọt.
Những yếu tố này buộc các quan chức phải đóng cửa các nhà máy sản xuất ở Tứ Xuyên trong nhiều tuần. Hoạt động công nghiệp tại Vân Nam cũng bị hạn chế trong nhiều tháng. Hệ thống vận chuyển đường thủy thậm chí phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài.
Cuối năm 2022, Tứ Xuyên tuyên bố sẽ xây dựng loạt nhà máy điện chạy bằng khí đốt và thiết lập nhiều đường dây truyền tải điện kết nối với lưới điện các tỉnh lân cận. Tại Quảng Đông, nơi phụ thuộc vào thủy điện Vân Nam, các quan chức bất ngờ phê duyệt những dự án nhà máy nhiệt điện than mới với tổng công suất 17 GW. Đây là một phần của kế hoạch xây dựng quy mô lớn trên toàn quốc.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị