Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc kỷ niệm 45 năm hoạt động tại Việt Nam
(Xây dựng) – Ngày 2/6, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sự kiện 45 năm hoạt động của UNDP tại Việt Nam vì sự phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại buổi lễ. |
Kể từ khi thành lập văn phòng UNDP tại Hà Nội vào năm 1978, UNDP là một trong số ít các kênh hỗ trợ quốc tế và chuyên môn dành cho Việt Nam, đã tích cực hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng tập trung vào các nỗ lực khôi phục và tái thiết đất nước đồng thời thiết lập các hệ thống, công nghệ và năng lực cơ bản cho phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm.
Thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, UNDP đã phát huy mạnh mẽ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam từng bước thực hiện cải cách, mở đường cho quá trình phát triển đất nước từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Khi Việt Nam bắt tay vào công cuộc đổi mới vào cuối những năm 1980 và 1990, UNDP đã giúp giới thiệu các nguyên tắc kinh tế thị trường và tăng cường năng lực quản lý kinh tế của Chính phủ; đồng thời tích cực hỗ trợ Việt Nam thiết lập các mối quan hệ với các đối tác phát triển song phương và đa phương, dẫn đến Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế đầu tiên của Việt Nam tại Paris năm 1993.
Minh chứng cho sự hỗ trợ hiệu quả của UNDP đối với Việt Nam là việc xây dựng Luật Doanh nghiệp, đánh dấu một cột mốc đột phá trong việc thiết lập một môi trường kinh doanh bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Được ban hành vào năm 2000, Luật Doanh nghiệp đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp tư nhân, tạo tạo ra hơn một triệu việc làm chỉ trong ba năm.
Bà Ramla Khalidi – Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. |
Từ các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (2000 – 2015) đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững hiện nay (2015-2030), UNDP đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác nhằm mở rộng các lựa chọn cho người dân và đảm bảo rằng mọi người đều có quyền tiếp cận bình đẳng với cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nêu bật những thành tựu đã đạt được qua 45 năm hợp tác giữa UNDP và Việt Nam và khẳng định, từ tháng 5/1978 tới nay, UNDP luôn sát cánh với Việt Nam trong suốt quá trình phát triển, từ một nước nghèo bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh trở thành nước có thu nhập trung bình, đi đầu trong nỗ lực giảm nghèo và tăng trưởng. Bên cạnh đó, các phương thức hợp tác giữa UNDP và Việt Nam trong 45 năm qua đã có nhiều thay đổi, phù hợp hơn với trình độ phát triển của Việt Nam. Từ những dự án “cầm tay chỉ việc”, tới nay đã dần chuyển sang phương thức phối hợp mang tính “đối tác”, thúc đẩy quốc gia làm chủ và dựa trên các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam”
Trong bài phát biểu của mình, Trưởng đại diện thường trú UNDP Ramla Khalidi nhấn mạnh các yếu tố đóng góp vào thành công của quan hệ đối tác UNDP – Việt Nam, đó là lòng tin, có những giá trị chung và sự cởi mở, khi cho biết, Việt Nam và UNDP đã lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong những năm qua, sự tin tưởng đã cho phép 2 bên mở rộng quan hệ đối tác sang những lĩnh vực mới về thương mại, hỗ trợ khu vực tư nhân, hành động khí hậu và quản trị công.
Đại diện UNDP bàn giao tập sách ảnh Việt Nam – UNDP 45 năm hợp tác vì sự bền vững cho lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao. |
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác, Việt Nam và UNDP tái khẳng định cam kết hợp tác, chung tay xây dựng một Việt Nam xanh, thịnh vượng và kiên cường, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ. |
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu, khách mời có dịp tham quan những hình ảnh về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNDP qua các thời kỳ, đồng thời chứng kiến lễ Bàn giao tập sách ảnh Việt Nam – UNDP 45 năm hợp tác vì sự bền vững cho lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao.
Nguồn: Báo xây dựng