Kinh nghiệm hay từ mô hình Di tích lịch sử kiểu mẫu

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Thanh Trì, Hội Người cao tuổi xã Đông Mỹ, Ban Quản lý di tích lịch sử Đình Đông Phù đã tổ chức ra mắt mô hình “Khu Di tích lịch sử Đình Đông Phù, Chùa Hưng Long kiểu mẫu”.

Đình Đông Phù được xây dựng từ thời Tiền Lê, là nơi thờ tướng Nguyễn Siêu. Chùa Hưng Long là nơi thờ 2 vị công chúa triều Lý là Từ Huy và Từ Thục, được nhà Trịnh trùng tu năm 1612. Cụm di tích lịch sử Đình Đông Phù – Chùa Hưng Long đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990. Đây là địa điểm du lịch đẹp và thu hút nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Với truyền thống “xã anh hùng của huyện anh hùng”, xã Đông Mỹ còn được biết đến là nơi chi bộ đầu tiên của huyện Thanh Trì và là chi bộ cộng sản đầu tiên của ngoại thành Hà Nội được thành lập ở thôn Đông Phù vào ngày 15/5/1930; nơi sinh ra đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Kinh nghiệm hay từ mô hình Di tích lịch sử kiểu mẫu
Ra mắt mô hình “Khu Di tích lịch sử Đình Đông Phù – Chùa Hưng Long kiểu mẫu”. (Ảnh: Thanh Hồng)

Nhằm xây dựng được thói quen, thái độ, cách ứng xử thân thiện, lịch sự tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, phụ nữ huyện Thanh Trì đã xây dựng mô hình Khu Di tích lịch sử kiểu mẫu tại các khu di tích lớn, có bề dày lịch sử, được phật tử và nhân dân tín trọng.

Thời gian qua, Hội phụ nữ đã trồng 15 cây xanh, cây ăn quả và cây bóng mát tại khu di tích. Đồng thời vận động hội viên tham gia 10 đợt tổng dọn vệ sinh, trồng và chăm sóc cây xanh, hoa cây cảnh tại khu di tích; vận động các hộ dân kinh doanh xung quanh khu di tích thực hiện các nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng; lắp đặt cụm pano hướng dẫn thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại di tích;…

Tại Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” do Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức, bà Phạm Thị Bích Thủy – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì cho biết, với các hoạt động thiết thực, năm 2023 Hội LHPN huyện tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của huyện Thanh Trì, cấp kinh phí để Hội thực hiện thí điểm một số mô hình tuyên truyền, vận động thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện; tuyên truyền về các hành vi ứng xử đẹp và không đẹp nơi công cộng, các tiêu chí xây dựng Khu di tích lịch sử kiểu mẫu, vận động phụ nữ và nhân dân thực hiện quy tắc ứng xử tại các khu di tích.

Để lan tỏa việc xây dựng và thực hiện mô hình trên toàn huyện, Hội LHPN huyện đã phát động: Mỗi đơn vị Hội LHPN xã, thị trấn đăng ký xây dựng 1 mô hình “Phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với việc thực hiện các quy ước, hương ước tại địa phương về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống;

Tích cực tham gia xây dựng gia đình “5 có, 3 sạch”; thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”; mô hình “Ngôi nhà an toàn cho phụ nữ, trẻ em”; xây dựng thành công các Câu lạc bộ “Gia đình văn minh hạnh phúc” trên địa bàn huyện,… Đến nay, đã ra mắt thêm 1 mô hình “Khu di tích lịch sử chùa Quang Linh kiểu mẫu” tại xã Ngũ Hiệp, được đông đảo hội viên phụ nữ và nhân dân hưởng ứng tham gia.

Theo đại diện Hội LHPN huyện Thanh Trì, các cấp Hội phụ nữ huyện đã chủ động tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng các mô hình “Phụ nữ tham gia thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng”; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: tuyên truyền lưu động, tuyên truyền thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, trại sáng tác, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, hội thi… tạo sự lan tỏa và trở thành phong trào hành động sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ và trong các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động giữa Hội phụ nữ các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, các phòng, ban, ngành, đơn vị có liên quan để thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đồng thời, nhân rộng mô hình ứng xử văn hóa trong gia đình, thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đến các gia đình, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn.

Phát huy phẩm chất người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh lịch”, những năm qua, việc tổ chức triển khai, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ trong huyện thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” gắn với 2 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố được các cấp Hội phụ nữ Thanh Trì duy trì thành nề nếp, thường xuyên, liên tục và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, nơi công cộng.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích