Ám ảnh rác thải ở Everest

Ám ảnh rác thải ở Everest

Đoạn video ghi lại cảnh Everest với hàng trăm tấn rác thải làm dấy lên quan ngại về ảnh hưởng của việc leo núi với môi trường nơi đây.

Ám ảnh rác thải ở Everest
Cảnh báo rác thải chất đống ở Everest. Ảnh: The Independent.

Everest được biết đến là ngọn núi cao nhất thế giới. Trong nhiều năm qua, hàng trăm nhà leo núi đã chinh phục ngọn núi này. Tuy nhiên, lượng rác thải trên Everest là vấn đề đáng báo động.

Một đoạn video được hướng dẫn viên leo núi người Nepal Tenzi Sherpa đăng trên mạng xã hội đã cho thấy rác thải chất đống bên ngoài lều trại 4, nơi những nhà leo núi nghỉ ngơi để thích nghi với khí hậu và giảm say độ cao. Rác thải bao gồm bình oxy rỗng, bát, thìa, giấy vệ sinh và thậm chí cả phân người, theo Independent.

Một chiến dịch leo núi sạch đã được thực hiện trong vài năm gần đây. Nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết khi các công ty du lịch vẫn để lại rác trên Everest. Người Sherpa hiện kêu gọi chính quyền can thiệp và các công ty phải chịu trách nhiệm xử lý mớ hỗn độn rác thải trên núi vì đây là một vấn đề cấp thiết.

Du lichEverest, chinh phuc Everest, Rac thai tren Everest, Trung Quoc, Nepal anh 1
Rác thải bên ngoài lều trại 4. Ảnh: News.com.au.

Đoạn video đã thu hút được hơn 1.500 lượt thích, nhiều người dùng để lại bình luận bên dưới.

Một tài khoản đã viết: “Hoàn toàn đồng ý. Bất cứ nơi nào con người đi qua đều để lại bụi bẩn và rác thải. Thật đáng buồn khi một nơi khó tiếp cận như Everest cũng có hàng tấn rác thải”.

“Hãy ngừng chinh phục Everest. Ngọn núi hùng vĩ này đang gánh chịu hậu quả ô nhiễm nặng nề do những nhóm người vô ý thức. Họ xứng đáng chịu một khoản tiền phạt”, một cư dân mạng khác chia sẻ.

Ngày càng có nhiều lo ngại về điều kiện xấu đi trên Everest do biến đổi khí hậu và lượng chất thải tích tụ tại các khu cắm trại.

Chính phủ Nepal yêu cầu mỗi nhóm leo núi phải đóng 4.000 USD tiền cọc và sẽ được hoàn trả nếu mang ít nhất 8 kg rác xuống từ trên núi. Vào năm 2019, Trung Quốc cũng đã cắt giảm một phần ba số lượng người leo núi để giảm lượng chất thải.

Tuần này, Nepal đã kỷ niệm 70 năm sự kiện 2 nhà leo núi Edmund Hillary và Tenzing Norgay chinh phục thành công Everest lần đầu tiên vào 29/5/1953.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích